Lý do bất ngờ khiến bé trai vừa chào đời đã không thể qua khỏi
(Dân trí) - Bé trai nặng 2,7 kg vừa lọt lòng mẹ đã được chuyển đi cấp cứu với ban tím vùng lưng, mặt, toàn thân vàng nhợt. Tuy nhiên, trẻ đã không thể qua khỏi, nghi do nhiễm virus CMV từ khi còn trong bụng mẹ.
Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) mới đây tiếp nhận một sản phụ chuyển dạ đẻ lần 2 ở tuần thứ 39. Bé trai chào đời nặng 2,7 kg đã không thể qua khỏi sau 11 giờ cấp cứu và điều trị tích cực.
Trước đó, sản phụ nhập viện trong tình trạng đau bụng từng cơn, ra máu thăm... Thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán trước sinh, các bác sĩ thấy hình ảnh thai nhi trên siêu âm có dấu hiệu bất thường: ối ít, gan to, ruột non tăng âm vang…, nghi một tình trạng nhiễm trùng trẻ sơ sinh trong bào thai.
Các bác sĩ nhanh chóng hỗ trợ sản phụ vượt cạn an toàn, trẻ chào đời nặng 2,7 kg. Tuy nhiên ngay sau đó trẻ có diễn biến bất thường, toàn thân vàng nhợt, ban tím vùng lưng, mặt, tim đập rời rạc…Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành cấp cứu, đặt nội khí quản, trẻ được chuyển chuyên khoa Sơ sinh điều trị tích cực.
Thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, các bác sĩ nghi ngờ trẻ nhiễm virus CMV dẫn đến tử vong. Để chẩn đoán chính xác, sản phụ đã được lấy máu làm xét nghiệm tìm kháng thể - kháng nguyên CMV cho kết quả IgG (+) và IgM (-). Từ đó, có thể khẳng định sản phụ đã nhiễm virus này trước khi chuyển dạ.
CMV (Cytomegalovirus) là virus phổ biến gây ra các bệnh nhiễm trùng như thủy đậu, giời leo... Loại virus này gây ra nhiều mặt bệnh cho nhiều lứa tuổi. Đa phần người nhiễm virus là những đối tượng bị suy giảm miễn dịch như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai... Theo thống kê tại Hoa Kỳ, có khoảng 40-80% người lớn bị nhiễm CMV trước tuổi 40, tỷ lệ này ở các nước đang phát triển là 90%.
Vệ sinh cá nhân kém là điều kiện thuận lợi cho sự lây truyền virus này. Đường lây truyền của virus là từ người sang người thông qua việc tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh, bao gồm: máu, nước bọt, nước tiểu, sữa, tinh dịch và lây truyền qua nhau thai khi người mẹ bị mắc.
Người nhiễm virus cytomegalo thường không có biểu hiện nên rất khó phát hiện bệnh. Một khi cơ thể đã nhiễm CMV thì nó sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời. Chu kỳ của CMV gồm giai đoạn ở thể ngủ và giai đoạn hoạt động trở lại. Khi cơ thể khỏe mạnh, CMV chủ yếu không hoạt động. Khi hệ miễn dịch bị suy giảm, CMV có thể tái hoạt động và gây ra bệnh lý cho cơ thể.
Nhiễm trùng CMV bẩm sinh có thể không có triệu chứng nhưng có thể gây sảy thai, thai chết lưu, hoặc tử vong sau sinh. Một số biến chứng của virus gây nên đốm mảng xuất huyết trên da, gan to, lách to, vàng da, teo não và đầu nhỏ, chậm phát triển … Như trường hợp trên là một điển hình. Mặc dù phổ biến nhưng vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị cho người mắc CMV.
Do đó các bác sĩ khuyến cáo, việc xét nghiệm chẩn đoán CMV là rất cần thiết đối với người có hệ miễn dịch suy yếu. Đặc biệt là phụ nữ mang thai việc xét nghiệm máu chẩn đoán trước sinh sẽ giúp phát hiện bệnh sớm để có phương pháp điều trị phù hợp hạn chế được tình trạng lây nhiễm virus từ mẹ sang con trong quá trình mang thai.