1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lượng tiêu thụ muối i-ốt giảm nửa, cảnh báo nguy cơ IQ thấp ở trẻ

(Dân trí) - ​Sau một thời gian dài là nước đi đầu trong bổ sung i-ốt vào muối, đến nay, lượng tiêu thụ muối này tại nước ta đã giảm hơn nửa, kéo theo lượng i-ốt trong phụ nữ độ tuổi sinh đẻ rơi vào mức cảnh báo, đe dọa sự phát triển đầy đủ của trẻ sơ sinh, bướu cổ và giảm IQ ở trẻ.

Suy giảm trí tuệ ngay từ trong bụng mẹ

TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết: “Bướu cổ là hệ quả của sự phản xạ của tuyến giáp do phải hoạt động mạnh hơn nên tuyến giáp to ra. Nhưng bướu cổ chỉ là phần nhỏ nhìn thấy, rộng hơn rất nhiều, khó nhận biết đó là suy giảm trí thông minh, trí tuệ của trẻ.

"Trong khi đó, i - ốt là nguyên liệu phát triển hoóc môn giáp. Vì thế, thiếu I - ốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành, phát triển thần kinh ở trẻ. Giai đoạn ảnh hưởng nặng nề nhất là trong giai đoạn mang thai và trẻ mới sinh”, TS Dương nói.

Theo đó, nếu thiếu I - ốt đứa trẻ kém trí thông minh, thậm chí đần độn. Nghiên cứu cho thấy vùng thiếu I - ốt, IQ của trẻ thấp hơn vùng được bổ sung I - ốt.

Tại buổi hội thảo, ngài Jesper Moller, Phó trưởng Đại diện Unicef Việt Nam, cũng đồng quan điểm rằng đủ I -ốt là nền tảng cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của thế hệ tiếp theo. Vì thiếu i-ốt có thể dẫn tới thai lưu, sẩy thai và bướu cổ. Nó cũng góp phần gây ra nhận thức kém, học tập khó khăn và chậm phát triển tâm thần nghiêm trọng ở trẻ em.

Bướu cổ chỉ là phần nổi của tẳng băng hiểm họa do thiếu I - ốt mang lại.
Bướu cổ chỉ là phần nổi của tẳng băng hiểm họa do thiếu I - ốt mang lại.

Chỉ còn 45% sử dụng muối có i-ốt

Đã từng có 1 giai đoạn, Việt Nam đi đầu trong công cuộc loại trừ tình trạng các rối loạn do thiếu hụt I - ốt nhờ chiến lược bổ sung I - ốt vào toàn bộ muối ăn. Đó là thời điểm 1994-2005 với 90% các hộ gia đình được sử dụng muối iốt đầy đủ, tỷ lệ mắc mới bướu cổ trong trẻ em trong độ tuổi đi học là thấp hơn ngưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) 5%.

Vậy nhưng đến năm 2011, lượng tiêu thụ muối i-ốt đã giảm hơn nửa, chỉ còn 45%. Năm 1993 có đến 94% dân số nằm trong vùng thiếu i ốt, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 - 12 tuổi là 22,4%. Còn kết quả điều tra trẻ em 8-10 tuổi toàn quốc năm 2014, tỷ lệ bướu cổ là 9,8%.

“Mức I - ốt niệu trung vị của phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ tại là 7,5 mcg/dl. Trong khi đó, ở mức dưới 10 mcg là dấu hiệu cảnh báo sự phát triển đầy đủ của trẻ sơ sinh đang gặp nguy cơ”, ông Jesper Moller chia sẻ.

Nguyên nhân được chỉ ra là do Việt Nam chuyển dần từ chương trình mục tiêu quốc gia sang hoạt động thường xuyên của ngành y tế; cùng đó có sự thay đổi về luật pháp, dẫn đến tình trạng trên thị trường tồn tại dạng muối thường và gia vị mặn thường không trộn I - ốt.

Theo TS Dương, điều may mắn là tình trạng thiếu I - ốt mới quay trở lại và hoàn toàn có thể khắc phục được khi mới đây, Nghị định 09/2016/ND – CP đã bắt buộc phải bổ sung I - ốt vào muối, các gia vị mặn.

“Không chỉ ăn muối I - ốt tại gia đình, mà tại các trường học, tỷ lệ ăn bán trú rất đông, theo quy định bắt buộc dùng muối I - ốt trong chế biến thực phẩm, trẻ sẽ được bổ sung lượng I - ốt đầy đủ hơn”, TS Dương chia sẻ.

Tại Hội thảo về việc thực thi Quy định I - ốt phải được bổ sung trong muối ăn diễn ra ngày 2/12 tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết sẽ có sự bàn bạc, làm việc giữa các bộ liên quan để đảm bảo việc sử dụng muối I - ốt bắt buộc trong chế biến thực phẩm hàng ngày, giảm nguy cơ thiếu I - ốt, đe dọa ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Hồng Hải