1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Luật mang thai hộ dưới góc nhìn của chuyên gia y tế

(Dân trí) - Muốn thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, cặp vợ chồng có nhu cầu phải tìm được người “thân thích cùng hàng”. Luật đã cho phép song dưới góc nhìn của chuyên gia y tế, những quy định về mang thai hộ còn bất cập.

Mang thai hộ bị cấm ở nhiều quốc gia

ThS.BS Hồ Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu di truyền và Sức khỏe sinh sản, Đại học Quốc gia, TPHCM, cho biết: “Mang thai hộ là phương pháp giải quyết vấn đề không thể có con ở người phụ nữ do tử cung nên cần nhờ đến tử cung của người khác. Đến nay, kỹ thuật này đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng nó đang là vấn đề gây tranh cãi giữa các trường phái tư tưởng, văn hóa khác nhau”.

Theo một khảo sát của Liên đoàn Sinh sản Thế giới về vấn đề mang thai hộ được thực hiện vào năm 2013 tại 105 quốc gia, đã có 62 quốc gia phản hồi. Trong đó, 19 quốc gia có quy định, luật mang thai hộ rõ ràng; 24 quốc gia theo đạo Hồi và Thiên chúa giáo nghiêm cấm mang thai hộ; 14 quốc gia không có quy định cụ thể nhưng cho phép thực hiện dựa trên các luật liên quan.

Tại Việt Nam, trước đây, kỹ thuật mang thai hộ chưa được pháp luật cho phép vì những vấn đề liên quan đến văn hóa và các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học, nhiều quốc gia trong khu vực đã thực hiện kỹ thuật này. Người Việt luôn coi trọng mối quan hệ gia đình, trong đó con cái là sợi dây nối kết bền chặt tình cảm vợ chồng và hạnh phúc gia đình nên nhiều cặp vợ chồng không thể có con bằng thụ thai tự nhiên và thất bại với những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản khác đã tính đến giải pháp ra nước ngoài thực hiện phương pháp mang thai hộ.

Trước thực tế trên, Việt Nam cũng đã có những thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của thế giới. Ngày 15/3/2015 Nghị định số 10/2015 NĐ-CP của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã chính thức có hiệu lực.

Theo đó, những phụ nữ không có tử cung, dị dạng tử cung bẩm sinh không thể mang thai hoặc bị cắt tử cung; phụ nữ mắc các bệnh mà việc mang thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi; sẩy thai nhiều lần, tử cung không thể giữ thai đến đủ tháng và thất bại nhiều lần với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản sẽ được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.  

Từ Dũ sẽ là 1 trong 3 bệnh viện trên cả nước được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ (ảnh minh họa)
Từ Dũ sẽ là 1 trong 3 bệnh viện trên cả nước được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ (ảnh minh họa)

Luật gây khó cho người muốn làm đúng

Người phụ nữ mang thai hộ là người mang nặng đẻ đau, nhưng đứa trẻ sinh ra không phải con của mình mà là con của vợ chồng nhờ mang thai hộ. Để tránh tình trạng thương mại hóa trong vấn đề mang thai hộ, hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ gồm 12 mục với các xác nhận của cơ quan y tế và cơ quan chức năng, quy định những trường hợp mang thai hộ phải là tự nguyện, có văn bản thỏa thuận giữa hai bên; người mang thai hộ phải là người thân thích, cùng hàng...

Luật quy định, cơ sở khám bệnh chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải tổ chức tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý cho vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có trách nhiệm xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ… chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ và chuyên môn kỹ thuật do cơ sở mình thực hiện.  

Quanh các quy định trên, ThS.BS Hồ Mạnh Tường cho rằng: Luật mang thai hộ đang tồn tại nhiều bất cập, trong khi tiếng Việt chưa có khái niệm “người thân thích cùng hàng” thì việc đưa cụm từ trên vào luật tạo nên sự mơ hồ. Ở các quốc gia khác, việc mang thai hộ là do chủ thể quyết định, người mang thai có thể là bà, là cô, là dì… có đủ sức khỏe sinh sản.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, song sự ràng buộc về mặt văn hóa truyền thống khiến quy định “thân thích cùng hàng” của Việt Nam (hiểu đơn giản là người ngang vai trong mối quan hệ gia đình, dòng họ) đã triệt tiêu một số lượng không nhỏ những người sẵn sàng mang thai cho cặp vợ chồng vô sinh.

ThS.BS Hồ Mạnh Tường bày tỏ sự lo ngại: “Luật mang thai hộ quy định rất chặt chẽ song với cơ chế xin - cho như hiện nay tại các cơ quan công quyền, đồng tiền có thể giúp hoàn thiện mọi loại giấy tờ. Luật có thể sẽ gây khó khăn cho những người làm đúng song với những người muốn “lách luật” thì lại trở thành đơn giản. Những quy định nặng về “cảm tính” bị chi phối bởi thuần phong mỹ tục có thể sẽ đẩy những người muốn thực hiện kỹ thuật mang thai hộ đến chỗ phải vi phạm luật vì không tìm được người “thân thích cùng hàng.”

Luật quy định các cơ sở khám chữa bệnh sẽ phải chịu trách nhiệm tư vấn về mặt y tế, pháp lý, tâm lý cho người nhờ mang thai và người mang thai, đồng thời phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ. Đây là quy định bất khả thi đối với các bệnh viện bởi y bác sĩ chỉ có thể tư vấn về các vấn đề liên quan đến y tế, các vấn đề pháp lý là trách nhiệm của cơ quan công an. Bệnh viện chỉ có thể xem xét hồ sơ đề nghị mang thai hộ và thực hiện khi hồ sơ đó có đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định. Bệnh viện không thể xác định được các loại giấy tờ đó có hợp pháp hay không.

Theo nhận định của ThS.BS Hồ Mạnh Tường, việc thực hiện kỹ thuật mang thai hộ chắc chắn sẽ xảy ra rất nhiều tranh chấp liên quan đến đứa trẻ cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan. Xét ở góc độ khách quan, bên nhờ mang thai hộ là người trực tiếp chi trả các khoản phí thực hiện dịch vụ nên trong trường hợp xảy ra tranh chấp, họ sẽ được cơ sở y tế bảo vệ, bên mang thai hộ sẽ là người bị thiệt. Do đó cần phải có những quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi của người mang thai hộ và đứa trẻ.

ThS.BS Hồ Mạnh Tường khuyến cáo, đây là hợp đồng dân sự, cơ quan y tế chỉ là đơn vị thực hiện nhiệm vụ đối với bệnh nhân. Khi xảy ra các vấn đề có liên quan, chủ thể sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự trước pháp luật. Do đó, các cặp vợ chồng vô sinh muốn có con bằng phương pháp này cần phải tìm hiểu kỹ, nắm rõ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật để tránh những kiện cáo, tranh chấp có thể xảy ra.

Vân Sơn (lược ghi)