1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ

(Dân trí) - BV Phụ sản Trung ương (phía Bắc), BV Đa khoa Trung ương Huế (miền Trung) và BV Từ Dũ (phía Nam) là 3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.

Mang thai hộ là vấn đề mới, “nhạy cảm” vì liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của nhiều người: đứa trẻ, người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ.

Sáng ngày 14/10, Bộ Y tế kết hợp với Hội Nội tiết Sinh sản và Hỗ trợ Sinh sản HCM (HOSREM) tổ chức hội thảo dự thảo nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Số phận một đứa trẻ

Sinh con theo phương pháp khoa học đã thể hiện sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, phương pháp này cho phép các cặp vợ chồng vô sinh có thể có con. Niềm mong mỏi tha thiết không chỉ của các cặp vợ chồng mà còn của cả gia đình và dòng họ.

3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ
Mang thai hộ chỉ là biện pháp cuối cùng sau khi các bác sĩ và bệnh nhân đã làm hết mọi cách, cho đến khi các bác sĩ "đầu hàng". Kiểm tra tại BV Từ Dũ TP.HCM

Việc áp dụng các biện pháp này trong nhiều trường hợp không chỉ liên quan đến cặp vợ chồng vô sinh mà còn có thể liên quan đến người thứ ba, đó là người cho tình trùng, cho trứng, cho phôi và người sẽ mang thai hộ. Do đó vấn đề càng trở nên phức tạp và nhạy cảm. Đứa trẻ ra đời, có thể có các hệ lụy về sau, đối với các bên liên quan, ảnh hưởng về mặt huyết thống, quan hệ, tình cảm.

Mặt khác, nhu cầu mang thai hộ không nhiều so với nhu cầu thực tế. Theo PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, tại Úc, mỗi năm chỉ có khoảng 10 trường hợp có nhu cầu mang thai hộ. Do đó, Bộ Y tế chỉ cho phép một số cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước mang tính đại diện khu vực thực hiện để tránh tình trạng thực hiện mang thai hộ tràn lan, biến tướng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.

BS. Nguyễn Thị Bạch Nga, BV Hùng Vương, đề xuất: “Tuy nhiên, việc điều trị hiếm muộn không phải chỉ một sớm một chiều. Thậm chí có những chu kỳ đòi hỏi từ 1 - 2 năm. Việc quy định chỉ có 3 cơ sở có thể khiến bệnh nhân gặp khó khăn, và tiêu tốn nhiều chi phí. Vì vậy, nên chăng dung hòa, để cho các cơ sở có khả năng đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được thực hiện mang thai hộ. Trong đó 3 BV đầu mối trên có thể kiểm tra, giám sát, hội chẩn từng trường hợp mang thai hộ”.

3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ
Nhiều phụ nữ vẫn không thể có hạnh phúc làm mẹ dù đã được điều trị hết mọi cách. Trong ảnh: Kiểm tra tim thai tại BV Hùng Vương

Người mang thai hộ phải là người thân thích

GS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch HOSREM, chia sẻ: “Thực tế, trong quá trình điều trị hiếm muộn cho cả hai vợ chồng, nhiều trường hợp người vợ không thể mang thai vì nhiều lý do: tử cung có quá nhiều nhân xơ, niêm mạc tử cung quá mỏng khiến phôi không thể làm tổ, dính buồng tử cung do nạo phá thai, cắt tử cung do vỡ tử cung (có thể do lỗi của nhân viên y tế),… Sự tuyệt vọng của người phụ nữ đang dần được tháo gỡ.”

Hiện nay, theo dự thảo Nghị định về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, người mang thai hộ vẫn phải là họ hàng thân thích cùng hàng của bên vợ hay bên chồng nhờ mang thai hộ: anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì; hoặc anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ, hoặc cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.

Theo TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), việc khống chế này tránh tình trạng buôn bán tinh trùng, noãn, phôi, hoặc tránh tình trạng đẻ thuê. Bên cạnh đó, quy định trên cũng còn dựa trên chủ nghĩa duy tình nhằm loại bỏ tình trạng mẹ đẻ giùm cho con gái, bà đẻ giùm cháu.

Nghị định ngày càng cởi mở, hợp tình…

Cùng với tiến bộ khoa học kỹ thuật và các quan hệ xã hội mới phát sinh, Nghị định số 12/2003/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập cần phải được chỉnh sửa, thay thế cho phù hợp với điều kiện: bỏ quy định đối với người nước ngoài để tránh phân biệt đối xử; bổ sung các nội dung liên quan đến mang thai hộ vì mục dích nhân đạo cho phù hợp với Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi).

Bộ Y tế còn đưa ra các quy định quản lý bằng công nghệ thông , chia sẻ thông tin đối với các trung tâm được phép thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm để bảo đảm chất lượng tinh trùng, noãn, phôi và tránh trường hợp một người cho tinh trùng, noãn, phôi, nhiều nơi, nhiều lần…

Đặc biệt, sắp tới dự thảo nghị định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm và mang thai hộ không giới hạn tuổi trần đối với người nhận tinh trùng, noãn, nhận phôi; bỏ quy định đối với kỹ thuật thụ tinh nhân tạo vì đây là kỹ thuật thường quy. Vì theo BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, điều kiện kinh tế phát triển, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ cũng được nâng lên, nhiều phụ nữ đến 60 tuổi vẫn còn có kinh nguyệt. Tùy theo thể trạng của mỗi người, có người 30 tuổi đã suy buồng trứng nhưng có người 50 tuổi buồng trứng vẫn hoạt động tốt.

Đối với ý kiến của các BS trong hội thảo về việc pháp lý khi người mang thai hộ gặp những rủi ro khi mang thai, TS. Việt Tiến cho biết, các BS chuyên ngành sản phụ khoa phải cân nhắc từng trường hợp trước khi cho mang thai hộ. Đối với những trường hợp người mang thai hộ từng bị phẫu thuật ở bụng nhiều lần, mắc các bệnh mãn tính (tim mạch, gan, thận..,) không được phép mang thai hộ.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khúc mắc liên quan đến đứa trẻ nhưng chưa được giải đáp thỏa đáng. Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, trong trường hợp chưa giao đưa trẻ mà vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, bên mang thai hộ có quyền nhận nuôi đứa trẻ; nếu bên mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ thì việc giám hộ và cấp dưỡng đối với đứa trẻ được thực hiện theo quy định của Luật này và Bộ luật Dân sự. Thậm chí có ý kiến, đứa trẻ sẽ phải được đưa vào một trung tâm nhân đạo.

An Quý