Luật Khám chữa bệnh “bỏ quên” quyền khiếu nại của bệnh nhân
(Dân trí) - Tai biến y khoa dẫn đến thương tật vĩnh viễn hoặc chết người thời gian qua đang gây bức xúc cho dư luận xã hội. Tuy nhiên, Luật khám bệnh, chữa bệnh hiện không đề cập đến quyền của người bệnh được khiếu nại đối với những sai sót ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng của họ.
Đó là một trong những nội dung quan trọng được Bộ Y tế nêu lên trong buổi Tổng kết 9 năm thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh (ngày 29/7 tại TPHCM) do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chủ trì. Theo Thứ trưởng Viết Tiến, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh gồm Luật khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản dưới luật về cơ bản đã bảo đảm tính phù hợp, khả thi và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong đó có quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh.
Cụ thể, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 không đề cập đến quyền của người bệnh được khiếu nại đối với những sai sót, về chất lượng dịch vụ hay về thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Đây là một trong những quyền của công dân được Hiến pháp ghi nhận, vì vậy cần thừa nhận khiếu nại là quyền của người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Quyền khiếu nại của người bệnh cần phải được tiếp cận theo hướng là căn cứ phát sinh tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh chứ không phải là khiếu nại hành chính và được giải quyết theo thủ tục khiếu nại, tố cáo.
Khoảng trống trên của Luật đã ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị bổ sung là quyền được khiếu kiện, đền bù, bồi thường thiệt hại khi người bệnh là nạn nhân của sai sót chuyên môn. Luật đã có một chương riêng về sai sót chuyên môn nhưng chỉ quy định vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không đề cập đến quyền được bồi thường của người bệnh. Trong khi đó người bệnh là người chịu tổn thất trực tiếp nhưng Luật lại chưa quy định quyền của họ khi có sai sót chuyên môn xảy ra.
Luật cũng quy định người bệnh được cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Hiện các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện việc cung cấp tóm tắt hồ sơ bệnh án khi người bệnh có yêu cầu. Tuy nhiên, trên thực tế các thông tin này không thể là chứng cứ pháp lý để chứng minh sai sót từ người hành nghề, hay là chứng cứ trước cơ quan tố tụng.
Nhiều bất cập trong Luật khám chữa bệnh đã được "mổ xẻ" tại Hội nghị tổng kết
Ngoài pháp luật về tố tụng hình sự có quy định liên quan đến vấn đề này còn lại không có văn bản quy định đối tượng nào thì sẽ được tiếp cận đầy đủ thông tin trong hồ sơ bệnh án. Điều này đã dẫn đến những tranh chấp giữa người bệnh, luật sư của người bệnh với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp trong khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, việc thành lập và hoạt động của Hội đồng chuyên môn cũng gặp những khó khăn nhất định do các quy định chưa được rõ ràng, cụ thể. Không ít trường hợp có tranh chấp, khiếu nại kéo dài do chưa nhất trí với kết luận của Hội đồng chuyên môn.
Hiện Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định về sai sót chuyên môn kỹ thuật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh, nhưng chủ yếu quy trách nhiệm cho người hành nghề. Bộ Y tế cho rằng cần bổ sung thêm các quy định chi tiết về trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh bởi khi sai sót chuyên môn cần phải xem xét cả trách nhiệm cơ sở khám chữa bệnh vì cơ sở khám chữa bệnh là đơn vị điều động, phân công và cung cấp cơ sở vật chất, dụng cụ… cho người hành nghề.
Ngoài ra, cần phải có quy định chi tiết về ứng xử với truyền thông, với bệnh nhân, với người nhà bệnh nhân khi xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật về trách nhiệm cung cấp thông tin nhân viên y tế với các cơ quan chức năng, với người nhà người bệnh, về quá trình xin lỗi, về mức và cách thức bồi thường thiệt hại, về vai trò trách nhiệm của các bên liên quan.
Vân Sơn