1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lợn nhiễm Clenbuterol: Nội tạng là độc nhất

Độc chất Clenbuterol có trong thức ăn chăn nuôi tác động chủ yếu vào cơ bắp của lợn khiến xương vai thu nhỏ lại, nhiều thịt hơn, thịt nạc hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, nội tạng lợn là nơi tồn dư nhiều chất độc hơn cả.

Lợn nhiễm Clenbuterol: Nội tạng là độc nhất - 1

Nếu ăn phải lòng lợn tiết canh có chất Clenbuterol, người ăn sẽ bị rối loạn nhịp tim, co thắt phế quản, phù nề...
 
Ăn lòng lợn dễ nhiễm độc

 

Theo TS. Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng bộ môn Thực phẩm chế biến, Viện Khoa học Công nghệ, ĐH Bách khoa Hà Nội, trong 19 chất cấm đưa vào thức ăn chăn nuôi của Bộ NN&PTNT, Clenbuterol đứng hàng thứ 4 và bị cấm triệt để trên toàn thế giới cách đây hơn 10 năm. 

 

Khác với một số chất độc khi được đun chín sẽ phân huỷ ít nhiều, Clenbuterol có trong thịt lợn rất bền dưới tác dụng của nhiệt nên không hề phân huỷ hoặc bay hơi khi nấu chín. Khi lợn ăn thức ăn có trộn Clenbuterol, chất độc này tồn dư ở tất cả các bộ phận của lợn, tập trung chủ yếu ở các cơ bắp, nhưng nội tạng lợn là nơi tồn dư nhiều chất độc hơn cả. Vì vậy, khi ăn lòng lợn, tiết canh của lợn có chất Clenbuterol, người ăn bị nhiễm Clenbuterol gây ngộ độc cấp với những triệu chứng như: Rối loạn nhịp tim, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ...

 

TS Thịnh còn khuyến cáo, trong một số trường hợp, để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng, người chăn nuôi thường lén cho cả Clenbuterol và Dexa (cũng là một loại chất cấm cho vào thức ăn chăn nuôi của Bộ NN&PTNT) để vừa tăng đáng kể lượng nạc, nhưng cũng có một khối lượng mỡ nhất định. Vì vậy, bằng mắt thường, người dân khó có thể phát hiện thịt lợn nhiễm độc. Không chỉ nội tạng lợn, chất Clenbuterol còn có thể có trong thịt trâu, bò. “Tại Tây Ban Nha đã từng có 135 người nhập viện vì nghi ngờ ăn phải gan bò nhiễm độc Clenbuterol vào năm 1990”, TS Thịnh cho biết.

 

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, nội tạng gia súc là nơi chứa nhiều độc tố Clenbuterol nhiều hơn so với thịt do người nông dân thường hay trộn Clenbuterol vào trong thức ăn chăn nuôi khoảng 21 ngày trước khi bán. Do vậy, khi bị đưa vào lò giết mổ, chất độc này vẫn còn tồn dư rất nhiều trong nội tạng gia súc.

 

Thường xuyên kiểm tra độc chất Clenbuterol

 

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, bằng mắt thường rất khó để nhận biết thịt lợn có chất Clenbuterol. Chất độc này chỉ được nhận diện trong phòng thí nghiệm bằng phương pháp hấp thụ miễn dịch hoặc phương pháp sắc ký khí.

 

Tuy nhiên, từ 2006 đến nay, Việt Nam chưa phát hiện thêm trường hợp nào gia súc, gia cầm nhiễm độc chất Clenbuterol. 

 

Trước đó, ngay sau khi TP HCM báo cáo phát hiện độc chất này trong thịt lợn trên thị trường vào năm 2005, nhận thấy đây là loại chất cực độc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người như biến chứng ung thư, ngộ độc cấp, run cơ, đau tim... nên trong các đợt kiểm tra, giám sát thường kỳ của Chi cục tại các địa phương, Cục Chăn nuôi vẫn chỉ đạo ngoài việc xét nghiệm các độc chất khác có trong thức ăn chăn nuôi, vẫn phải xét nghiệm riêng độc chất Clenbuterol. 

 

Ông Dương khẳng định, hiện Việt Nam đã kiểm soát được việc loại bỏ độc chất Clenbuterol ra khỏi thức ăn chăn nuôi trên diện rộng.

 

Theo ông Dương, phương pháp kiểm tra của các đơn vị chức năng là không chỉ lấy thịt gia súc và mẫu trong các bao thức ăn chăn nuôi mà còn lấy chính thức ăn để trong máng của gia súc khi chúng đang ăn để phân tích. Theo quy định của pháp luật, những trường hợp cố tình đưa độc chất Clenbuterol vào thức ăn chăn nuôi nếu bị phát hiện, ngoài việc xử lý hành chính sẽ còn bị xử lý hình sự bởi hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. 

 

Vì vậy, ông Dương nhận định việc trộn Clenbuterol vào thức ăn chăn nuôi ít xảy ra tại các trang trại chăn nuôi lớn mà thường xảy ra ở các hộ cá nhân nhỏ lẻ. Chất độc này cũng được sử dụng khi nuôi gà thịt, trâu, bò thịt nhưng chủ yếu vẫn dùng trong gia súc, trong đó cho lợn là chính. 

 

Theo Mai Thúy

 Gia đình & Xã hội