Lối sống lười vận động dẫn đến ung thư?

(Dân trí) - Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ít vận động thể lực là nguyên nhân gây ra khoảng 21-25% trường hợp ung thư vú và ung thư ruột.

Vận động thể lực tạo cho con người một sức khỏe tốt, hạn chế được bệnh tật, kéo dài được tuổi thọ. Đối với bệnh ung thư, nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã khẳng định vận động thể lực là yếu tố quan trọng góp phần phòng chống các bệnh ung thư.

Lối sống lười vận động dẫn đến ung thư? - 1

Lợi ích của hoạt động thể chất: giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, bao gồm:

- Ung thư đại tràng (tác động mạnh mẽ nhất)

- Ung thư vú, nội mạc tử cung

- Ung thư bàng quang

- Ung thư dạ dày, thực quản

Hoạt động tích cực có thể giúp duy trì cân nặng lý tưởng, từ đó giúp giảm nguy cơ phát triển các bệnh ung thư có liên quan đến thừa cân và béo phì.

Ngoài ra, lối sống năng động cũng giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác như: bệnh tim, huyết áp cao, tiểu đường và loãng xương.

Khuyến cáo về cường độ hoạt động hàng ngày, hàng tuần:

- Người lớn: Nên tập 150-300 phút với cường độ vừa phải hoặc 75-150 phút với cường độ mạnh mỗi tuần (hoặc kết hợp cả hai). Đạt được trên 300 phút là lý tưởng nhất. Khi kết hợp với nhau, 1 phút hoạt động mạnh tương đương với 2 phút hoạt động vừa phải.

Đối với những người có bệnh mãn tính hoặc các yếu tố nguy cơ của bệnh tim nên tham khảo bác sĩ trước khi bắt đầu các hoạt động cường độ mạnh.

- Trẻ em và thanh thiếu niên: Khuyến khích vận động với cường độ vừa đến mạnh ít nhất một giờ mỗi ngày, và các hoạt động tăng cường về sức cơ ít nhất 3 ngày trong tuần. Các hoạt động phải phù hợp với lứa tuổi, thú vị và đa dạng, bao gồm các hoạt động thể thao và thể dục ở trường, ở nhà và ở cộng đồng. Để đạt được các mục tiêu trên cần có các môn học giáo dục thể chất và hoạt động ngoại khóa hàng ngày ở trường, và nên hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị (xem tivi, điện thoại, máy tính…) ở nhà.