Lợi ích sức khỏe của râu ngô

(Dân trí) - Râu ngô chứa protein, carbohydrate, canxi, kali, magiê, natri, muối, tinh dầu dễ bay hơi, alkaloids, tannin, saponin, flavonoid, stigmasterol và sitosterol.

Râu ngô được sử dụng cả ở dạng tươi và khô trong y học cổ truyền Trung Quốc và thổ dân Mỹ để điều trị nhiều loại bệnh. Râu ngô có những lợi ích sau với sức khỏe:

1. Giảm viêm: Viêm mãn tính có liên quan đến nhiều bệnh khác nhau, bao gồm bệnh tim và đái tháo đường. Nước sắc râu ngô đã được chứng minh là làm giảm viêm nhờ ngăn chặn hoạt động của các hợp chất gây viêm chính. Nó cũng chứa magiê, một khoáng chất thiết yếu điều chỉnh phản ứng viêm của cơ thể.

Lợi ích sức khỏe của râu ngô - 1

2. Giảm đường huyết: Râu ngô có thể làm giảm lượng đường trong máu và giúp kiểm soát các triệu chứng của đái tháo đường. Một nghiên cứu trên động vật cho thấy râu ngô làm giảm đáng kể chỉ số đường huyết, cho thấy râu ngô có hoạt tính mạnh chống đái tháo đường.

3. Ngăn chặn tổn thương oxy hóa: Các chất chống oxy hóa trong râu ngô có thể giúp ngăn ngừa tổn thương do gốc tự do và stress oxy hóa. Stress oxy hóa là thủ phạm gây ra nhiều bệnh mãn tính, bao gồm ung thư, bệnh tim và đái tháo đường.

4. Cải thiện sức khỏe tim: Sự hiện diện của flavonoid trong râu ngô đã được chứng minh là làm giảm cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C), triglyceride và cholesterol toàn phần. Cholesterol cao đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.

5. Giảm trầm cảm: Râu ngô có tác dụng chống trầm cảm và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng râu ngô biểu hiện hoạt động chống trầm cảm đối với chuột bị đái tháo đường do streptozotocin.

6. Giảm suy nhược: Suy nhược khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, mất động lực và năng lượng để tiếp tục công việc. Các flavonoid trong râu ngô thể hiện hoạt động chống suy nhược đã được chứng minh là giúp bạn cảm thấy bớt mệt mỏi.

7. Giảm huyết áp: Râu ngô hoạt động như một loại thuốc lợi tiểu có thể giúp điều trị huyết áp cao nhờ loại bỏ chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Uống trà râu ngô có thể làm giảm đáng kể huyết áp.

8. Hỗ trợ giảm cân: Râu ngô có thể giúp giảm cân vì ít calo. Uống trà râu ngô sẽ làm tăng cảm giác no, cải thiện trao đổi chất và tạo điều kiện cho việc loại bỏ các chất cặn bã.

9. Giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer: Bệnh Alzheimer làm suy giảm trí nhớ và các chức năng quan trọng khác của trí nhớ. Râu ngô có tác dụng bảo vệ thần kinh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

10. Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu: Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của hệ thống tiết niệu, thận, bàng quang hoặc niệu đạo. Sử dụng trà râu ngô và chế phẩm bổ sung râu ngô có thể giúp điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Cách làm trà râu ngô: Đun sôi một cốc nước và cho vào đó một nắm râu ngô tươi. Đun sôi thêm vài phút rồi tắt bếp để hãm. Khi nước chuyển sang màu nâu, đổ trà ra. Thêm một chút chanh để tăng hương vị.

Tác dụng phụ của râu ngô: Nói chung râu ngô không gây ra tác dụng phụ, tuy nhiên, nếu bạn bị dị ứng với ngô và đang dùng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị đái tháo đường, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống viêm và chống đông máu, nên tránh uống râu ngô.

Liều dùng của râu ngô: Râu ngô không độc và được coi là an toàn để sử dụng. Liều lượng khuyến nghị hàng ngày của râu ngô là khoảng 9,354 – 10,308/kg trọng lượng cơ thể tương ứng với nam và nữ.

Câu hỏi thường gặp

Râu ngô hình thành từ đâu? Râu ngô được hình thành từ nhụy ngô, là những sợi giống như tơ màu vàng mọc trên bắp ngô.

Có thể ăn râu ngô không? Có thể sử dụng râu ngô hàng ngày dưới dạng trà hoặc chế phẩm bổ sung.

Râu ngô có tốt cho thận không? Râu ngô được sử dụng làm thuốc điều trị sỏi thận.

Trà râu ngô có tốt không? Trà râu ngô có nhiều chất dinh dưỡng như kali, protein, carbohydrate, canxi, magiê và natri.

Cẩm Tú

Theo Boldsky