Loay hoay gỡ rối cho nông sản an toàn
(Dân trí) - Mặc dù nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông sản an toàn ngày một gia tăng, nhưng thực tế nguồn cung còn rất hạn chế do tồn tại nhiều bất cập trong quá trình thực hiện tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất nông nghiệp.
VietGAP là quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) xây dựng và ban hành từ ngày 28/1/2008, nhưng việc áp dụng và nhân rộng mô hình này còn nhiều khó khăn do có quá nhiều tiêu chí kiểm soát và nông dân phải ghi chép nhật ký chăm sóc rất phức tạp.
Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn “An toàn thực phẩm năm 2014 - Giải pháp nâng cao giá trị, chất lượng nông sản Việt Nam,” do Bộ NN&PTNT phối hợp với nhóm các nhà tài trợ (ISG) tổ chức ngày 12/11, tại Hà Nội.
Sau 6 năm ban hành, đến nay Việt Nam đã tiến hành chứng nhận VietGAP trên 5 loại nông sản gồm: Cà phê, chè, lúa, quả, và rau. Không thể phủ nhận, nếu áp dụng nghiêm ngặt tiêu chuẩn VietGAP thì những giá trị đem lại cho người nông dân, người tiêu dùng và cả xã hội sẽ rất đáng kể.
Theo ông Ngô Tùng Thu, Quản đốc dự án “Sinh kế nông thôn bền vững” thực hiện hợp phần rau an toàn được chứng nhận VietGAP, với sự hỗ trợ của Chương trình Viện trợ New Zealand (NZAP) tại tỉnh Bình Định, nhờ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong trồng rau an toàn đã giúp giảm 70% lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong trồng rau, tăng thu nhập của nông dân 20-30% so với rau thường.
Tại Bình Định, lượng rau VietGAP tiêu thụ tăng dần từ 35 tấn năm 2012 lên 55 tấn năm 2013 và 200 tấn năm 2014, chiếm khoảng 1% thị trường rau chính thống của Bình Định. Dự kiến năm 2015 tiêu thụ rau VietGAP sẽ tăng lên 350 tấn.
Măc dù nhận thức về những lợi ích và tính sẵn có của RAT đang tăng dần theo nhu cầu tiêu thụ, thông qua các siêu thị và các quầy rau, nhưng nguồn cung RAT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Nguyên nhân là do tiêu chuẩn VietGAP gồm 65 tiêu chí kiểm soát, đảm bảo truy nguyên nguồn gốc với sổ tay ghi chép nhật ký sản xuất cho người sản xuất thực hiện, trong đó khá nhiều chỉ tiêu, bảng biểu rất phức tạp. Việc chứng nhận sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP được thông qua một số tổ chức chứng nhận chất lượng; vì vậy chỉ một số ít cơ sở sản xuất liên kết với doanh nghiệp và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm mới chứng nhận, hoặc các dự án hỗ trợ kinh phí cho cơ sở sản xuất chứng nhận thì họ mới chứng nhận. Nhìn chung sản phẩm áp dụng theo tiêu chí Vietgap là hướng tới xuất khẩu.
“Vì có quá nhiều tiêu chí kiểm soát, do nhận thức kém nên nông dân ngại ghi chép theo yêu cầu, do vậy tỷ lệ áp dụng VietGAP trong sản xuất rau còn rất thấp,” ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nói.
Ông Định cũng cho rằng, để các sản phẩm an toàn, sản phẩm VietGAP đến với người tiêu dùng, các đơn vị liên quan cần xây dựng quy trình thẩm định và quản lý thị trường cho các sản phẩm an toàn thông qua việc củng cố quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giám sát, xử phạt... đồng thời có những chính sách hỗ trợ và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn trên quy mô lớn cùng với đó, tuyên truyền nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm an toàn.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nêu rõ, với mục tiêu nâng cao chất lượng, tăng trưởng nông nghiệp và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp xác định an toàn thực phẩm và chất lượng nông sản chính là một trong những giải pháp then chốt và việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của nông dân, doanh nghiệp, nhà nước và người tiêu dùng.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng nói thêm rằng: Bộ NN&PTNT đã xác định rõ thị trường là cơ sở chính để cải thiện chất lượng, nhà nước với vai trò hỗ trợ, đặc biệt là đảm bảo chất lượng giống cây trồng địa phương, phân bón, thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp khác.
Nguyên An