Loại nem có thể là "ổ sán" nhiều người vẫn ăn hàng ngày

Minh Nhật

(Dân trí) - Thịt lợn sống (nguyên liệu chính để làm nem), có thể chứa nhiều loại giun sán, điển hình là sán dây bò, sán dây lợn.

Nem chua là một món ăn truyền thống được nhiều người ưa thích, nguyên liệu chủ yếu là thịt sống lên men. Chế biến nem chua là quá trình lên men lactic từ thịt sống và không trải qua bất kỳ công đoạn xử lý nhiệt nào. Các vi sinh vật giúp nem chín phát triển trong nguyên liệu, trong lá gói. 

Tuy nhiên, theo BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người dân cần đặc biệt tránh xa loại nem chua chưa đủ độ chua, để tránh nguy cơ đưa sán vào người.

"Khi nem đủ ngày, đủ độ chua, axit trong nem có thể tiêu diệt trứng, ấu trùng sán. Tuy nhiên, thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm nem chưa lên men đủ ngày đã được chào bán.

Loại nem có thể là ổ sán nhiều người vẫn ăn hàng ngày - 1

Chuyên gia khuyến cáo không nên ăn nem chưa đủ độ chua (Ảnh: Getty).

Trứng, ấu trùng sán trong các sản phẩm này (nếu có) sẽ chưa bị tiêu diệt và khiến người ăn bị nhiễm ký sinh trùng vào người", BS Thiệu phân tích.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, theo BS Thiệu, thịt lợn sống (nguyên liệu chính để làm nem), có thể chứa nhiều loại giun sán, điển hình là sán dây bò, sán dây lợn.

"Khi ăn phải ấu trùng sán dây lợn trong nem hoặc thịt lợn tái, sán có thể di chuyển theo đường máu tới não, cơ và gây bệnh", BS Thiệu phân tích.

Đặc biệt khi ấu trùng sán lợn cư trú trong não (gặp ở 60-96% trường hợp), có thể dẫn đến các nhóm bệnh thần kinh như: Nhức đầu (48,4%), động kinh (6,2%), rối loạn tâm thần (5,2%), rối loạn thị giác (15,6%), suy nhược cơ thể - giảm trí nhớ (28,1%), co giật cơ (34,3%).

Ngoài ra, thể ấu trùng dưới da và trong cơ chiếm 18,57%, chủ yếu ở cơ hoành, cơ lưỡi, cơ delta, vùng thân, vùng chi và cổ, dưới da đầu...

Trong khi đó, sán dây bò thường ký sinh trong phần thịt nạc của bò và đặc biệt là trong cơ quan nội tạng. Ngoài ra, nó có thể ký sinh lạc chỗ trong một số loài động vật khác như lợn.

Do đó, nếu chúng ta ăn các món từ thịt, nội tạng bò, lợn chưa được nấu chín thì hoàn toàn có nguy cơ nhiễm sán.

Khi sán dây bò vào cơ thể thường ký sinh ở hệ tiêu hóa. Tại đây, sán hút các chất bổ dưỡng và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non.

Sán dây bò chiếm thức ăn làm suy yếu cơ thể, đồng thời gây tổn thương tại ruột, viêm ruột, rối loạn tiêu hóa...

Một số trường hợp có các triệu chứng như: đau bụng, ăn không ngon, sụt cân hoặc chóng mặt, đau đầu, thiếu máu, thậm chí là hạ huyết áp... Đặc biệt, sán gây ra cảm giác ghê sợ khi người bệnh nhìn thấy đốt sán chui ra khỏi hậu môn, bò ra ngoài.

Ngoài ra, ăn nem chua chưa đủ độ chua hoặc các sản phẩm thịt lợn chưa được nấu chín có thể đối mặt với nguy cơ nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn.

Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh liên cầu lợn thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế. 

Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết... Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn có thể tới 7%.

Để phòng tránh các nguy cơ nêu trên, BS Thiệu khuyến cáo người dân cần đảm bảo nguyên tắc ăn chín, uống sôi; chỉ ăn nem chua đã đủ ngày, đủ độ chua, được sản xuất bởi cơ sở uy tín; giữ môi trường sống sạch sẽ, tẩy giun sán định kỳ...

"Khi thấy trong người có các biểu hiện như đau nhức đầu liên tục, chóng mặt, mất ngủ..., người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị", BS Thiệu nhấn mạnh.