Lo ngại vi rút cúm A/H1N1 kết hợp với cúm gia cầm
(Dân trí) - Nếu có sự kết hợp của hai chủng vi rút này sẽ tạo ra một loại vi rút mới có độc lực mạnh như vi rút cúm gia cầm H5N1 nhưng lại có tốc độ lây truyền nhanh như cúm A/H1N1.
Nguy cơ xuất hiện chủng vi rút mới nguy hiểm?
Lo lắng trên càng có cơ sở hơn khi PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ thông báo kết quả điều tra dịch tễ ca tử vong do cúm gia cầm mới đây tại Điện Biên. Bệnh nhân nam 23 tuổi ở thành phố Điện Biên tử vong do suy hô hấp vì viêm phổi nặng do virus đã được khẳng định bằng kết quả xét nghiệm: Bệnh nhân tử vong do cúm gia cầm H5N1.
Khi điều tra dịch tễ những người tiếp xúc gần với bệnh nhân này, các chuyên gia y tế lo ngại khi phát hiện người em họ của bệnh nhân này mắc cúm A/H1N1. Trong khi đó, đàn gà đang sống trong nhà người em họ này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1.
“Hai virus cúm song song tồn tại, có sự tiếp xúc rất gần này là một điều đáng lo ngại. Nhiều chuyên gia trên thế giới đã bày tỏ lo ngại sự kết hợp gene giữa 2 virus này sẽ tạo ra một virus mới có độc lực mạnh như H5N1 (phần lớn bệnh nhân nhiễm cúm H5N1 đều tử vong) và lan truyền nhanh như H1N1”, PGS Hiển nói.
Cũng tại cuộc họp này, ThS Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TƯ tiếp tục cảnh báo về các trường hợp đồng nhiễm SXH và cúm A/H1N1. Theo đó, đén nay đã có gần 10 bệnh nhân đồng nhiễm hai bệnh này nhập viện, trong đó, hai ca nặng đã tử vong. Ngoài ra, ThS Hà cũng lưu ý, với những trường hợp bị viêm phổi trong mùa đông cũng phải cảnh giác, nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1 để làm xét nghiệm sớm và điều trị kịp thời.
WHO khẳng định Vắc xin ArepanrixTM do công ty GlaxoSmithKline (GSK) sản xuất và đã được WHO kiểm định dựa trên quy trình chuẩn và các thông tin về chất lượng và độ an toàn của vắc-xin được cung cấp trong hồ sơ. Còn lô vắc-xin gây sốc phản vệ cho 7 người dân Canada hiện đã được thu hồi.
Theo WHO, cho tới nay, vắc-xin đại dịch có độ an toàn tương tự như vắc-xin cúm mùa thông thường. Có thể gặp một số trường hợp quá mẫn sau khi tiêm bao gồm: nổi mề đay, phù mạch và sốc phản vệ (rất hiếm gặp) có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được chăm sóc y tế kịp thời. Dù hiện tượng này là hiếm gặp, nhưng WHO cũng yêu cầu các cơ quan chính quyền cần chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận và tiến hành điều trị thích hợp đối với các phản ứng này.
Đồng thời, đại diện WHO khuyến cáo người dân, nguy cơ về phản ứng bất lợi của vắc-xin vẫn nhỏ hơn nhiều lần so với nguy cơ nghiêm trọng mắc cúm đại dịch mà những nhóm người nguy cơ cao phải chịu. WHO hi vọng, với chiến dịch vắc-xin có quy mô như vậy, sẽ chỉ có một số lượng nhỏ các phản ứng bất lợi xảy ra; một vài trong số các phản ứng này có thể sẽ nghiêm trọng. WHO (cùng với chính quyền tại các Quốc gia Thành viên) đang giám sát chặt chẽ và tiến hành điều tra bất cứ trường hợp bất lợi nào có liên quan đến vắc-xin này.
Hồng Hải