Lo ngại doanh nghiệp “hô biến” sản phẩm thành “thần dược” khi tự công bố chất lượng

(Dân trí) - “Nếu các sản phẩm thực phẩm để các doanh nghiệp tự công bố sẽ xảy ra tình trạng biến sản phẩm thành “thần dược”. Doanh nghiệp muốn ghi rất nhiều thứ trên đó, bản thân tôi cũng muốn ghi nhiều thứ nếu được quyền tự công bố”.

Ý kiến trên của một đại biểu tham gia dự hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Nghị định 38 hướng dẫn chi tiết một số điều của luật An toàn thực phẩm. Vấn đề nên bỏ hay duy trì quy định công bố chất lượng sản phẩm (tiền kiểm) gây nhiều tranh cãi.

Sơ xuất về thực phẩm ảnh hưởng hàng triệu người

Theo đại biểu này, trong nghề y nếu bác sĩ làm sơ xuất chỉ ảnh hưởng đến 1 vài người, dược sĩ có sơ xuất ảnh hưởng đến hàng nghìn người còn thực phẩm có sơ xuất ảnh hưởng đến hàng triệu người.

Vì thế, nếu để doanh nghiệp tự công bố thì hàng loạt sản phẩm sẽ bỗng chốc biến thành “thần dược” theo ý muốn của đại đa số nhà sản xuất.

Tại hội thảo, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm cho biết, ban soạn thảo đề xuất sẽ chia nhóm sản phẩm. Với nhóm thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn gồm dụng cụ, vật liệu bao gói thì doanh nghiệp tự công bố và nộp đến Sở Y tế. Trong bảy ngày tiếp nhận, nếu cơ quan quản lý không ý kiến thì doanh nghiệp được quyền sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Còn với nhóm thực phẩm đặc biệt cần kiểm soát chặt gồm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm và thực phẩm được nhà sản xuất quảng bá là có tác dụng với sức khỏe cần phải công bố chất lượng với cơ quan chức năng.

“Đặc biệt thực phẩm chức năng cần kiểm soát chặt bởi đây là nhóm có công bố tác dụng với sức khỏe người dùng. Đơn giản như quả kiwi vốn không cần kiểm soát, để doanh nghiệp tự công bố nhưng nếu nhà sản xuất này công bố sản phẩm chứa nhiều vitamin C có tác dụng với sức khỏe thì cần có tài liệu chứng minh", bà Nga nói.

TS Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế (ngồi giữa) chủ trì cuộc họp thảo luận. Ảnh: H.Hải
TS Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế (ngồi giữa) chủ trì cuộc họp thảo luận. Ảnh: H.Hải

Thứ trưởng Trương Quốc Cường thống nhất với tên gọi 2 nhóm sản phẩm, gồm loại rủi ro ít như thực phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn, trong thời gian 7 ngày, nếu không có ý kiến của cơ quan quản lý thì doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, tự công bố. Trong trường hợp có “ý kiến” thì sẽ phải làm lại.

Loại thứ 2 là những sản phẩm có nguy cơ cao như thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, sản phẩm có tác dụng với sức khỏe cần phải được kiểm soát.

“Doanh nghiệp luôn muốn công bố dễ dàng, cơ quan chức năng cũng vậy nhưng phải đảm bảo chặt chẽ trong quản lý, đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm, khi kiểm tra có vấn đề thì sản phẩm đã “chui vào bụng” người dân, nhất là trong điều kiện Việt Nam lực lượng thanh tra để hậu kiểm còn hạn chế", Thứ trưởng Cường nói.

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Nhưng những vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân thì cần quản lý chặt chẽ

Tất cả các sản phẩm không liên quan đến chức năng của sức khỏe con người thì doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm. Còn những sản phẩm có tác dụng đến sức khỏe con người phải kiểm soát chặt chẽ bằng tiền kiểm.

Trước phản ánh của doanh nghiệp, cho rằng vấn đề công bố chất lượng nhiều công đoạn, cơ quan chức năng yêu cầu "lắt nhắt" dẫn đến tình trạng muốn cấp phép tốn nhiều thời gian, ông Phong khẳng định Cục đã ra quy định chỉ được yêu cầu bổ sung một lần duy nhất. Tuy nhiên có nhiều doanh nghiệp khi nhận được công văn yêu cầu sửa đổi bổ sung của Cục nhưng không làm đầy đủ các yêu cầu cần phải sửa đổi, bổ sung, như 4 nội dung chỉ bổ sung 2, do đó Cục phải gửi văn bản nhiều lần để đôn đốc.

Thậm chí có tình trạng doanh nghiệp bỏ dở cả năm không cung cấp thông tin bổ sung, sửa đổi, tuy nhiên lại có phản ánh là cơ quan quản lý cố tình gây “khó dễ”.

"Vì thế, tại dự thảo sửa đổi này, ban soạn thảo đã nêu rõ: Trong thời hạn 60 ngày kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung thì cơ quan quản lý sẽ hủy hồ sơ công bố…", ông PHong nói.

Liên quan đến nhiều đề xuất của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội cho rằng nên giảm thời gian thẩm xét của hồ sơ công bố các thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm/ chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các sản phẩm thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe từ 30 ngày xuống 20 ngày, Thứ trưởng Cường nêu rõ, tinh thần của ban soạn thảo là tiếp thu và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, tuy nhiên, trước mắt ban soạn thảo vẫn bảo lưu phương án thời gian 30 ngày.

“Về vấn đề này, chúng tôi sẽ lập hội đồng để xem xét cụ thể, nếu giảm được tối đa thời gian thì sẽ giảm, tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng chúng ta cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nhưng những vấn đề liên quan mật thiết đến sức khỏe người dân thì cần cẩn trọng, không thể làm vội, đơn giản được”, ông Cường nói.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm