Lo Campuchia "vỡ trận" Covid-19, Kiên Giang xây gấp BV dã chiến 400 giường
(Dân trí) - Lo dịch Covid-19 ở Campuchia "vỡ trận", Kiên Giang khẩn trương xây dựng bệnh viện (BV) dã chiến trên 400 giường nhưng lãnh đạo tỉnh này "không mong muốn sử dụng".
Kiên Giang có khoảng 56km đường bộ tiếp giáp với Campuchia và có đến 200km chiều dài đường biển; 63.000km2 diện tích mặt nước biển. Trong đó nhiều vùng nước lịch sử chưa phân định được nên hàng ngày có hàng ngàn tàu cá của hai nước hoạt động khai thác hải sản. Do đó, để ngăn người từ Campuchia về Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều.
Từ khi số ca nhiễm Covid-19 ở Campuchia lên 3 con số mỗi ngày, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường công tác siết chặt biên giới hơn nữa. Từ vài chục chốt cắm trên tuyến biên giới, đến này đã tăng cường trên 128 tổ, chốt với hơn 1.000 chiến sĩ luân phiên chốt trực 24/24.
Ông Nguyễn Lưu Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, từ sau sự cố có ca bệnh Covid-19 ở ngoài cộng đồng vào 22/2, tình hình dịch bệnh ở Campuchia đang diễn biến phức tạp. Ngành chức năng nắm tình hình có trên 1.500 người Việt đang sinh sống làm việc tại Campuchia có thể về Việt Nam.
Trong những ngày tới, nếu Campuchia chính thức "vỡ trận" hoặc thời gian lệnh phong tỏa hết hiệu lực thì rất nhiều khả năng người Việt đổ xô chạy khỏi Campuchia.
Để không bị động trong tình huống đó, Kiên Giang xây dựng nhiều kịch bản. Trước nhất là lập đề án xây dựng bệnh viện dã chiến từ 200 - 400 giường bệnh, tại Trung tâm văn hóa TP Hà Tiên.
Ông Nguyễn Lưu Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chia sẻ: "Các ngành chức năng Kiên Giang đang phối hợp với các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khảo sát, tiến hành xây dựng bệnh viện dã chiến, nhưng thật lòng Kiên Giang không mong muốn sử dụng bệnh viện này. Vì chúng tôi chỉ mong dịch bệnh ở Campuchia được kiểm soát và tại Việt Nam cũng được kiểm soát tốt như thời gian vừa qua".
Phóng viên Dân trí đến khu vực xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19, hàng chục công nhân đang hối hả cắt sắt, lát gạch… hoàn thành cơ sở hạ tầng khu bệnh viện. Hiện tại, phần nền, mái, vách và nhiều hàng mục bên trong gần như hoàn thành.
Tuy nhiên, hệ thống xử lý nước thải tại khu Trung tâm văn hóa TP Hà Tiên cũng như khu vực Bệnh viện dã chiến chưa hoàn chỉnh nên nhiều chỗ còn đọng nước lênh láng.
Liền kề khu vực bệnh viện dã chiến là 4 dãy nhà tiền chế được xây dựng từ 9/2020 làm khu cách ly tập trung. Riêng dãy nhà A5, nếu trường hợp bệnh viện dã chiến quá tải, ngành chức năng Kiên Giang tận dụng làm bệnh viện dã chiến thứ 2.
Liên quan đến trang thiết bị Bệnh viện dã chiến, ông Trung cho biết, việc đầu tư đúng theo quy định pháp luật. Phần máy móc thiết bị nào cần mua nhanh thì phải có ý kiến Thủ tướng, các máy móc còn lại phải đấu thầu. Khi bệnh viện dã chiến hết vai trò sẽ được chuyển đổi để sử dụng khám chữa bệnh lâu dài cho người dân Kiên Giang.
Riêng đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện dã chiến, ông Trung cho biết đa phần sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ của tỉnh. Chỉ ở phòng hồi sức cấp cứu đặc biệt thì cần nhiều chuyên gia ở Bệnh viện Chợ Rẫy, vì hiện nay việc khám chữa bệnh Covid-19 đều được kết nối với Trung tâm quốc gia.
Bộ Y tế chỉ đạo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh hỗ trợ Kiên Giang nâng cao năng lực xét nghiệm. Ngoài ra, đội ngũ y bác sĩ ở đây hỗ trợ cho Hà Tiên về công tác tập huấn và cả máy móc thiết bị theo hướng từ bị động sang chủ động tầm soát.
Hiện Kiên Giang đang khẩn trương đầu tư mở rộng các khu cách ly tại khu vực TP Hà Tiên vì hiện nay sức chứa chỉ trên 750 người.