1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Tĩnh:

Lính biên phòng - “thầy mo” của đồng bào dân tộc Chứt

(Dân trí) - Những trò mê tín dị đoan từ lâu đã không còn trong tiềm thức của đồng bào dân tộc Chứt bởi “thầy mo” của bản Rào Tre ngày nay chính là những người lính biên phòng mang quân hàm xanh.

Để xóa bỏ những hủ tục, để phát triển đời sống cho đồng bào nơi đây, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã thành lập tổ công tác, cử cán bộ, chiến sĩ về cắm tại bản Rào Tre với quyết tâm giúp đồng bào dân tộc Chứt thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Cùng với cán bộ vận động quần chúng, Tổ công tác Rào Tre còn được bố trí cả cán bộ quân y trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong vùng.

Thầy mo hết thời…

Bản Rào Che nằm trong xã Hương Liên, huyện Hương Khê, một trong những địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Tĩnh với địa hình rừng núi cao, hiểm trở, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, là nơi định cư của đồng bào dân tộc Chứt, một tộc người vốn chỉ sống hoang dã, tách biệt trong rừng, thiếu thốn đủ bề, sống chủ yếu bằng săn bắt hái lượm qua ngày, không có quần áo mặc, ngủ trong hang đá, quan hệ cận huyết thống, có nguy cơ tuyệt chủng….

Bản Rào Tre
Bản Rào Tre

Do sống tách biệt nên cách chữa bệnh của người dân tộc Chứt toàn toàn dựa vào thầy mo, thầy cúng. Hễ có bệnh, từ già trẻ, gái trai là tìm đến nhà thầy mo, thầy cúng trong bản để đuổi được con ma bệnh trong người dù cái bệnh vẫn không khỏi mà cứ âm ỉ, dai dẳng qua bao thế hệ.  

Trung tá Dương Thanh Tịnh – tổ trưởng tổ công tác Rào Tre đồng thời là người đã gắn bó với bà con trong bản đã gần chục năm nay cho biết hầu hết trong bản đều bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp, lao và đường tiêu hóa. Việc thay đổi cả một ý thức hệ của đồng bào nơi đây gặp vô vàn khó khăn. Để lấy được niềm tin nơi bà con, cán bộ quân y phải xuống từng nhà dân, cùng hướng dẫn đồng bào tập ăn chín uống sôi, ngủ phải mắc mùng, làm nhà vệ sinh gia đình, khám chữa bệnh cho người dân… “Không chỉ một lần mà rất nhiều lần phải bà còn mới nhớ được một chút. Thời gian đầu rứa là cũng mứng lắm rồi bởi họ không nhớ được lâu. Mới tập đã quên, anh em chúng tôi luôn bảo ban nhau kiên trì từng chút một”, trung tá Dương Thanh Tịnh nhớ lại. Vận động thầy mo bỏ mê tin dị đoan không được, lắm lúc bác sĩ quân y phải trổ tài thi thố chữa bệnh với cả thầy mo.

Thế nhưng, hủ tục cúng, đuổi ma không dễ bị loại bỏ. Khi mắc bệnh, một số gia đình vẫn âm thầm tìm đến thầy mo.

Những thế hệ tiếp nối của người Chứt tại Rào Tre
Những thế hệ tiếp nối của người Chứt tại Rào Tre

Kể cho chúng tôi nghe về hủ tục bắt nguồn từ quan niệm phụ nữ nữ sinh đẻ gần nhà sẽ xảy ra nhiều điềm quái: Phụ nữ Rào Tre đến kỳ sinh nở sẽ phải ở lán do chồng làm trong rừng sâu. Một tháng sau sinh người mẹ mới được bế con. Nhũng đứa trẻ may mắn sống sót, sẽ trở thành thế hệ mới của bản. Nhưng đau lòng thay, những cái lán này cũng có thể trở thành nghĩa địa, nơi người mẹ tự mình chôn cất đứa con bất hạnh không qua được 1 tháng…. 

Đáng nhớ nhất là trường hợp sản phụ Hồ Lĩnh phải vào rừng sinh con thứ ba năm 2001. Nhưng nhiều ngày trôi qua, cả nhà vẫn không thấy chị Lĩnh về. Nghe tin, bộ đội biên phòng Rào Tre vội vàng tìm đến nơi chị Tịnh sinh nở và phát hiện chị chưa thể sinh do thai ngược. Ngay trong đêm, trạm biên phòng thuyết phục thầy mo có tên Hồ Phúc và gia đình cử người cáng ra Bệnh viện huyện Hương Khê. Bé gái may mắn thoát chết, thoát hủ tục lạc hậu ấy là Hồ Lài, hiện đang học lớp 5 Trường tiểu học xã Hương Liên.

Và cho đến khi chính bản thân thầy mo Hồ Phúc bị mắc bệnh sốt rét ác tính, dùng đủ mọi phương cách nhưng bệnh càng nặng, được bộ đội biên phòng tìm đến tận nhà rồi đưa trạm về chữa trị, chăm sóc, thầy mo mới giữ được mạng sống. Đến lúc này, thầy mo Hồ Phúc mới chịu bỏ nghề còn vận động bà con tìm đến bộ đội biên phòng khi có ốm đau.

Cũng từ đó, mỗi khi khám chữa bệnh, bà con bản Rào Tre gửi trọn niềm tin nới các chiến sĩ biên phòng tại đây.

Trạm quân y nghĩa tình

Do đặc điểm điều kiện địa lý xa xôi, nhất là về mùa mưa thường bị nước lũ chia cắt, cô lập (từ bản Rào Tre ra đến trung tâm huyện Hương Khê hơn 50km đường rừng), việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nhân dân chủ yếu dựa vào lực lượng quân y sĩ của Tổ công tác Rào Tre. Nhưng địa điểm khám chữa bệnh là một căn phòng cấp 4 chật chội (18m²), trong lúc đó nhu cầu khám, chữa bệnh và cấp thuốc của bà con ngày càng cao (20-30 lượt/ngày, vừa khám vừa xin ở lại điều trị).

Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong vùng nói chung và đồng bào dân tộc Chứt nói riêng, năm 2012, BĐBP Hà Tĩnh đã vận động các doanh nghiệp ủng hộ xây dựng, đưa vào sử dụng Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Rào Tre khang trang, rộng rãi. Cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị khám chữa bệnh, hai cán bộ quân y có chuyên môn giỏi cũng được cử về đây công tác. Trung tá Dương Thanh Tịnh cho hay đây là trạm y tế đa khoa, mới có một bác sĩ và một y sĩ. Riêng chuyện cử một bác sĩ về trạm này phục vụ cho 135 dân bản Rào Tre đã là đặc cách của biên phòng Hà Tĩnh bởi đồn biên phòng Bản Giàng chưa có bác sĩ. Thượng úy - bác sĩ Nguyễn Nam Giang quê ở Nam Đàn (Nghệ An) công tác tại bản từ năm 2011. Gần 3 năm công tác nhưng số lần về thăm gia đình mới chỉ dừng ở số 2. “Người bệnh thì lúc nào cũng có, lực lượng quân y tại đây còn mỏng nên mỗi lần nghỉ phép mình cũng không yên tâm để nghỉ dài ngày. Lên đây, bà con cũng quý nên đây cũng trở thành nhà thứ 2 của mình rồi”, bác sĩ Nguyễn Giang Nam chia sẻ.

Nguyễn Giang Nam - bác sĩ của trạm
Nguyễn Giang Nam - bác sĩ của trạm, đang khám cho 1 bệnh nhi

Một trong những khó khăn khi khám chữa bệnh cho người dân nơi đây chính là việc kê đơn thuốc và chế độ ăn kiêng. Do mỗi đơn thuốc có nhiều loại, người dân lại tái mù chữ cao nên thường rất khó nhớ đơn thuốc. Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ quân y phải phải chia ra từng loại một và làm ký tự dễ nhớ để bà con về chia uống...

Cái tâm, cái tình của những người thầy thuốc mang quân hàm xanh nơi miền biên viễn đã ngày càng gắn kết tình quân dân nơi đây. Không chỉ khám chữa bệnh cho bà con dân tộc mà trạm y tế quân dân y kết hợp Rào Tre còn là địa chỉ tin cậy cho xã Hương Liên, và cả xã Hương Lâm. Nhìn lớp người đứng chem chúc đợi được khám bệnh đủ hiểu niềm tin của bà con gửi gắm nơi bàn tay của những thầy thuốc mang quân hàm xanh.

Đồng bào đặt trọn niềm tin nơi những thầy mo mới của bản Rào Tre
Đồng bào đặt trọn niềm tin nơi những "thầy mo" mới của bản Rào Tre

“Giờ đây, không lo sức khỏe nữa đâu. Chúng tôi được miễn phí công khám bệnh và thuốc chữa, dân làng rất biết ơn các anh bộ đội, bộ đội trở thành thầy mo mới của bản Rào Tre chúng tôi rồi", trưởng bản Hồ Kinh phấn khởi nói.

 Phượng Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm