1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư: Từ nguyên lý đến ứng dụng

(Dân trí) - Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư đã và đang là một lĩnh vực nghiên cứu rất sôi động. Nhiều nhà khoa học trên thế giới vẫn đang nghiên cứu những cách thức mới cho liệu pháp này, và họ đã có những thành công nhất định. Bài viết của TS.BS Trần Bá Thoại sẽ điểm lại một số nguyên lý về lãnh vực miễn dịch phức tạp này...

Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư: Từ nguyên lý đến ứng dụng - 1

Vài nét về hệ thống miễn dịch

Hệ thống miễn dịch là một mạng lưới các tế bào, mô, cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của các yếu tố ngoại lai. Tác nhân xâm nhập rất nhiều như vi sinh vật (ký sinh trùng, vi trùng, vi rút, nấm.. ) hay các tế bào, vật thể, hóa chất lạ.

Hệ thống miễn dịch là vô cùng phức tạp. Nó có thể nhận ra và ghi nhớ hàng triệu “kẻ thù” khác nhau và sản sinh nhiều loại tế bào, hóa chất sinh học đặc hiệu như các kháng thể, bổ thể…đ ể loại trừ các yếu tố xâm nhập.

Một yếu tố ngoại lai (vi trùng, tế bào lạ..) thường có mang những cấu trúc protein riêng biệt, trong y học gọi là những kháng nguyên (antigen), vào cơ thể các kháng nguyên này sẽ kích thích hệ miễn dịch, sau đó thông tin kháng nguyên này được chuyển cho các tế bào lympho B sinh tổng hợp kháng thể (antibody) đặc hiệu tương ứng. Các vắc xin được sản xuất theo nguyên lý này.

Tế bào ung thư “né” hệ miễn dich thế nào?

Theo nguyên lý sinh học, hệ thống miễn dich của con người có khả năng phát hiện và tiêu diệt các tế bào bất thường, tế bào ung thư, và có thể ngăn chặn sự phát triển của nhiều loại ung thư qua các kháng thể và đại thực bào.

Tuy nhiên, các tế bào ung thư là đôi khi có thể để tránh bị phát hiện và bị phá hủy bởi hệ thống miễn dịch của con người nhờ ba khả năng sau: (1) làm giảm sự “phô bày” tính kháng nguyên khối u trên bề mặt của chúng, đây là giai đoạn đầu tiên và cực kỳ quan trọng giúp hệ miễn dịch phát hiện “kẻ lạ” để tiêu diệt chúng, không phát hiện được kháng nguyên (kẻ lạ) thì không thể có các công đoạn tiếp theo, (2) các protein trên bề mặt tế bào ung thư gây bất hoạt các tế bào trách nhiệm miễn dịch và (3) chế tiết ra vi môi trường chung quanh các chất ức chế đáp ứng miễn dịch và thúc đẩy sự tăng sinh tế bào khối u và giúp tế bào ung thư sống còn.

Các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu gì?

Trong vài năm qua, các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát triển liệu pháp miễn dịch để điều trị ung thư. Mục đích của các nghiên cứu là tìm ra cách chế ngự ba cách tránh né hệ thống miễn dịch của tế bào ung thư nêu trên.

Nội dung các nghiên cứu bao gồm: (1) Tìm hiểu tại sao liệu pháp miễn dịch có hiệu quả không đồng đều giữa các bệnh nhân ung thư cùng loại, (2) Mở rộng việc sử dụng các liệu pháp miễn dịch cho nhiều loại ung thư và (3) Tăng hiệu quả của liệu pháp miễn dịch bằng cách kết hợp với các phương cách điều trị ung thư khác hóa trị và xạ trị….

Và những thành quả đã đạt được:

1. Chặn các protein ức chế miễn dịch (Immune checkpoint modulators)

Khi các protein “kiểm soát” miễn dịch bị ngăn chặn khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư được gia tăng.

Một số thuốc ức chế “kiểm soát” miễn dịch đã được FDA phê duyệt gồm: ipilimumab (Yervoy®), chặn protein CTLA4; nivolumab (Opdivo®) và pembrolizumab (Keytruda®), chặn hoạt động của protein PD-1.

2. Tế bào miễn dịch

Đang được thực hiện với tế bào chuyển giao nuôi (adoptive cell transfer, ACT), tế bào lympho khối u xâm nhập (tumor-infiltrating lymphocytes, TILs), tế bào T thụ thể kháng nguyên khảm (chimeric antigen receptor, CAR T-cell)…

3. Kháng thể

Các kháng thể điều trị, phức hợp kháng thể thuốc (antibody–drug conjugates, ADC), đã được chứng minh và được FDA chấp thuận như: ado-trastuzumab emtansine (Kadcyla®) để điều trị một số loại ung thư vú, brentuximab vedotin (Adcetris®) và ibritumomab tiuxetan (Zevalin®) Hodgkin, B lymphoma…..

4. Vắc xin

Các loại vắc xin này thường được làm từ các tế bào ung thư của chính bệnh nhân hoặc từ chiết xuất tế bào chất của khối u. Năm 2010, FDA đã phê chuẩn vắc-xin trị ung thư đầu tiên, sipuleucel-T (Provenge®), để sử dụng trong một số nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt di căn. Vắc xin điều trị khác đang được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng để điều trị một loạt các bệnh ung thư, bao gồm cả não, vú, và ung thư phổi.

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm