1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Liệu pháp 50 quốc gia đã dùng trị ung thư, bệnh nhân Việt khó tiếp cận

Hoàng Lê

(Dân trí) - Khoảng 50 quốc gia đã dùng liệu pháp này để điều trị các loại ung thư phổi, ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư da..., mở ra nhiều hy vọng sống cho bệnh nhân.

Những thập kỷ gần đây, thế giới đã có nhiều đột phá trong điều trị ung thư. Bên cạnh liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch đang dần trở thành tia hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư.

Liệu pháp miễn dịch đã được FDA (Tổ chức Thuốc và Dược phẩm Hoa Kỳ), EMA (Tổ chức Y tế Châu Âu) phê duyệt và điều trị trong nhiều loại ung thư khác nhau, tùy vào loại thuốc được sử dụng.

Có thể kể đến một số ung thư đã và đang được áp dụng liệu pháp miễn dịch đơn trị liệu, hoặc phối hợp với các điều trị khác, như ung thư phổi, ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư da…

Nghiên cứu của các tác giả thuộc Đại học California, Los Angeles (UCLA) trên bệnh nhân ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển cho thấy, thuốc trị liệu miễn dịch pembrolizumab đã tăng tỷ lệ sống sót trung bình 5 năm của bệnh nhân từ khoảng 5,5% lên hơn 15%.

Liệu pháp 50 quốc gia đã dùng trị ung thư, bệnh nhân Việt khó tiếp cận - 1

Liệu pháp miễn dịch đã được chứng minh đáp ứng hiệu quả khi điều trị ung thư phổi (Ảnh minh họa: Health).

Hiện nay, có khoảng 50 quốc gia đang áp dụng liệu pháp miễn dịch vào điều trị cho bệnh nhân ung thư, như Mỹ, Trung Quốc, Brazil… và kể cả Việt Nam.

Bác sĩ Kim-Son H. Nguyễn, khoa Ung thư, Đại học Stanford (Hoa Kỳ) cho biết, liệu pháp miễn dịch (hay liệu pháp sinh học) là phương pháp giúp hỗ trợ cơ thể chống lại tế bào ung thư.

Nếu như khi hóa trị và xạ trị, bệnh nhân được tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng cũng đồng thời diệt các tế bào khỏe mạnh khác, liệu pháp miễn dịch tập trung vào việc sử dụng các tế bào của cơ thể, để tăng cường hoặc khôi phục chức năng hệ thống miễn dịch.

Từ đó, giúp hệ miễn dịch có thể nhận biết được chính xác, "đánh dấu" vị trí của tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Đồng thời làm ngừng hoặc làm chậm sự phát triển, ngăn tế bào ung thư lan rộng sang các cơ quan khác trong cơ thể.

Có nhiều liệu pháp miễn dịch phổ biến, đang được áp dụng trên thế giới và ở Việt Nam.

Thứ nhất là kháng thể đơn dòng. Các phân tử được sản xuất trong phòng thí nghiệm này có thể được thiết kế để nhắm mục tiêu các tế bào ung thư hoặc protein cụ thể.

Ví dụ, kháng thể rituximab nhắm mục tiêu CD20 trên các tế bào B trong ung thư hạch không Hodgkin, trong khi trastuzumab nhắm mục tiêu HER2 khi điều trị ung thư vú.

Liệu pháp 50 quốc gia đã dùng trị ung thư, bệnh nhân Việt khó tiếp cận - 2

Cơ chế tác động của kháng thể rituximab trên tế bào B (Ảnh: Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM).

Thứ hai, dùng chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Những loại thuốc này giúp ngăn chặn các protein điểm kiểm soát miễn dịch (như PD-1 và PD-L1), cho phép các tế bào miễn dịch nhận biết và tấn công tế bào ung thư hiệu quả hơn.

Các liệu pháp miễn dịch khác nhau đã được chứng minh hiệu quả và tính an toàn, thông qua thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, đa trung tâm, đa quốc gia. Tuy nhiên, thông tin về liệu pháp miễn dịch còn khá mới mẻ với nhiều bệnh nhân ung thư tại Việt Nam. 

Ngoài ra, dù đã có mặt tại nước ta từ năm 2017, liệu pháp miễn dịch hiện vẫn chưa được bảo hiểm y tế chi trả, khiến nhiều bệnh nhân khó tiếp cận bởi gánh nặng tài chính.

Tại "Diễn đàn bệnh nhân ung thư Việt Nam 2023" do Sáng kiến ung thư Muối phối hợp cùng Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức ngày 26/8, liệu pháp miễn dịch sẽ được các chuyên gia sẽ thông tin chi tiết, giúp bệnh nhân có cái nhìn tổng quan về cách điều trị này.

Chương trình có sự góp mặt của nhiều "chiến binh K" đã kiên cường vượt qua bệnh tật, để cùng chia sẻ những câu chuyện về nghị lực, niềm tin yêu, lạc quan sống, khích lệ tinh thần cho những người mới phát hiện bệnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm