Liên tục có ca nhồi máu cơ tim nguy kịch: Coi chừng nhầm với đau dạ dày
(Dân trí) - Thấy đau ngực ngắn trong 1 tuần nhưng nghĩ đau dạ dày, người phụ nữ không đi khám. Đến khi vào viện cấp cứu, bệnh nhân được phát hiện nguy kịch vì nhồi máu cơ tim cấp.
Thời gian gần đây, nhiều trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp nguy kịch đã được nhiều bệnh viện ở khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận phát hiện, can thiệp điều trị.
Bị nhồi máu cơ tim nhưng tưởng... đau dạ dày
Như trường hợp của anh L.T.S. (48 tuổi, ngụ tỉnh Long An) có tiền sử bệnh tăng huyết áp, điều trị không liên tục. Trước thời điểm nhập viện, bệnh nhân đột ngột có cơn nặng ngực, khó thở nên gia đình đưa vào cơ sở y tế gần nhà. Sau khi xác định bệnh nhân có cơn nhồi máu cơ tim cấp, cơ sở này đã chuyển người đàn ông đến bệnh viện đa khoa để tiến hành xử trí khẩn.
Kết quả chụp mạch vành cho thấy, bệnh nhân tắc hoàn toàn một đoạn mạch máu nuôi tim. Người đàn ông được ekip điều trị tiến hành nong bóng, mở thông dòng chảy và đặt stent tại vị trí tổn thương. Nhờ can thiệp kịp thời, bệnh nhân đã thoát khỏi giai đoạn nguy hiểm, hồi phục rất tốt và đã được xuất viện.
Trường hợp khác là bệnh nhân N.T.K. (64 tuổi), có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu. Trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện nhiều cơn đau ngực ngắn 5 phút (xảy ra trong khoảng một tuần), nhưng nghĩ bị đau dạ dày nên không đi khám.
Đến khi cơn đau ngực, khó thở ngày càng nhiều và kéo dài, bệnh nhân mới vào bệnh viện khám thì được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Kết quả chụp mạch vành ghi nhận bán tắc đoạn gần động mạch vành phải, hẹp nặng đoạn gần nhánh liên thất trước. Bệnh nhân cũng được xử trí can thiệp mạch vành nhanh chóng, đến nay đã qua cơn nguy kịch.
Mới đây, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn đã tiếp nhận bệnh nhân tên H.V.T. (63 tuổi) lúc rạng sáng, trong tình trạng đau ngực dữ dội liên tục kèm các triệu chứng vã mồ hôi, huyết áp thấp, nhịp tim chậm và rời rạc.
Nhận định đây là trường hợp nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng nặng cần phải can thiệp mạch vành khẩn cấp, ekip trực của bệnh viện đã lập tức phối hợp hội chẩn liên viện từ xa với khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Bệnh nhân được hồi sức tích cực, tiêm thuốc tạo nhịp và chuyển tuyến khẩn cấp để can thiệp mạch vành lúc 4h30 cùng ngày. Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được phía Bệnh viện Nhân dân Gia Định chụp mạch, phát hiện tắc động mạch vành bên phải.
Các bác sĩ đã tiến hành can thiệp đặt stent phủ thuốc cho bệnh nhân trong 60 phút. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai cơ sở y tế, người bệnh được can thiệp thành công, diễn biến sau đó ổn định và xuất viện sau 3 ngày.
Cảnh giác những triệu chứng lạ
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Vân, chuyên khoa Nội Tim mạch chia sẻ, với bệnh nhân nhồi máu cơ tim, thời gian là tất cả. Can thiệp tim mạch là cách tốt nhất giúp bác sĩ chạy đua với thời gian trong việc cứu sống người bệnh. Trong đó, thời gian vàng để cứu quả tim là 12 giờ đầu, và thủ thuật mang lại hiệu quả cao nhất là trong 3 giờ đầu tiên.
Bác sĩ Hồ Thị Tuyết Mai (Trung tâm tim mạch, một bệnh viện ở TPHCM) cho biết thêm, ngoài các triệu chứng phổ biến của cơn nhồi máu cơ tim cấp (đau thắt ngực lan lên cổ và hai vai, khó thở, vã mồ hôi, tim đập nhanh…), có trường hợp biểu hiện bằng các dấu hiệu không điển hình, như đau vùng thượng vị, tiêu chảy (khả năng do cơn nhồi máu cơ tim kích thích lên ruột gây phù nề).
Triệu chứng này rất dễ khiến bệnh nhân và cả bác sĩ nhầm sang bệnh lý đường tiêu hóa, dẫn đến điều trị sai hướng. Khi đó, bệnh nhân sẽ tăng nguy cơ suy tim nặng, thậm chí tử vong, do cơ tim thiếu máu nuôi trầm trọng trong thời gian dài.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên có thói quen ăn uống khoa học, thường xuyên tập thể dục thể thao, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ tim mạch, đặc biệt ở người cao tuổi.
Khi xuất hiện những triệu chứng bất thường như tê bì, đau yếu chi, khó thở, mệt nặng ngực, ngất... hay các triệu chứng không điển hình kể trên, người bệnh không nên tự chẩn đoán, sơ cứu hoặc tự dùng thuốc, mà nên lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và xử trí phù hợp.