Liên tiếp trẻ uống nhầm dầu hỏa, axit

(Dân trí) - Chỉ trong 2 tuần, khoa Nhi BV Bạch Mai tiếp nhận 4 trường hợp trẻ uống nhầm dầu hỏa, axít loãng do người lớn bất cẩn, để những dung dịch này trong những chai lọ nước uống bắt mắt trẻ như nước C2, trà xanh…

Bệnh nhi P.P.T đang được theo dõi viêm phổi sau khi uống nhầm
Bệnh nhi P.P.T đang được theo dõi viêm phổi sau khi uống nhầm dầu hỏa chứa trong chai C2. Ảnh: H.H

Những chai “nước” chết người

 

5 giờ chiều 9/10, gia đình bé P.P.T (3 tuổi, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) ôm con vào khoa Nhi (BV Bạch Mai) cấp cứu trong tình trạng tỉnh táo, hơi thở sặc mùi dầu hỏa, không sốt, phổi chưa viêm, ho nhiều…. Người nhà bé T. cho biết, con vừa uống nhầm dầu hỏa được để trong chai lavie để thắp đèn dầu bàn thờ. Các bác sĩ quyết định cho bệnh nhi nhập viện theo dõi vì khả năng bé bị hội chứng hít viêm phổi do hóa chất sau 24 - 48 giờ hít phải hóa chất là rất lớn.

 

Trước đó 2 ngày, bé trai C.T.L (4 tuổi, Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng uống nhầm dầu hỏa… đựng trong chai C2 bị viêm phổi và hiện vẫn đang được điều trị tại khoa Nhi (BV Bạch Mai).

 

BS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhi được gia đình đưa vào viện hôm 7/10 trong tình trạng ho khan nhiều, thở gắng sức, thở nhanh và có dấu hiệu viêm phổi.

 

Một trường hợp khác là bé trai 3,5 tuổi được BV huyện Hải Hậu (Nam Định) sơ cứu rồi chuyển lên BV Bạch Mai. Bé trai này tới nhà bác mua, thấy chai C2 để ngay dưới gầm bàn uống nước liền cần lên tu. Đến khi bé nôn mửa liên tục, gần như xỉu đi, người lớn chạy đến mới phát hiện bé uống nhầm chai axit người bác mua để đổ bình ác quy. Rất may mắn, đây là loại axit loãng đổ bình ác quy, tính ăn mòn không cao nên cháu bé không bị loét, thủng thực quản. Tuy nhiên bệnh nhi vẫn phải nhập viện theo dõi và uống thuốc bảo vệ dạ dày.

 

Không may mắn như các bệnh nhi này, hai chị em ruột là Đ.T.K.N (3 tuổi) và Đ.T.H.H (4 tuổi) trú tại huyện Na Rì (Bắc Kạn) bị ngộ độc thuốc trừ sâu và một bé đã tử vong. Nguyên nhân cũng là do dự bất cẩn của người mẹ, khi đi phun thuốc sâu ngoài đồng về đã để chai thuốc trừ sâu dưới gầm sàn gần chỗ hai bé đang chơi. Vì không biết nên hai cháu đã mang ra để uống. Dù được phát hiện kịp thời và đưa đến viện cấp cứu, nhưng do uống quá nhiều thuốc trừ sâu cháu N đã tử vong.
 

Thói quen nguy hiểm

 

Theo BS Nguyễn Thành Nam, người Việt Nam có thói quen rất nguy hiểm, đó là hay tận dụng những chai lọ đựng thực phẩm, nước uống để chứa các hóa chất như dầu hỏa, axit…Cả 4 ca tai nạn gặp tại khoa Nhi trong 2 tuần qua đều là do trẻ nhầm tưởng nước có trong chai C2, trong chai nước suối là nước uống được.

 

Những thói quen tưởng như vô hại của người lớn lại là một mối nguy hiểm cho trẻ. Bởi trẻ nhỏ vốn hiếu động, lại thấy những loại nước mà rất hấp dẫn với trẻ, nên khi vừa nhín thấy, trẻ thường vội vàng uống ngay mà không ý thức được bên trong chai nước là dung dịch gì.

 

Không chỉ người dân có thói quen nguy hiểm này, mà nhiều nhà sản xuất thuốc, dược phẩm cũng “hồn nhiên” sử dụng các chai lọ giống như hình dáng chai đựng nước uống, thực phẩm thông thường để đựng hóa chất, chất sát khuẩn.

 

“Ví như có những công ty sản xuất chai cồn, nước xúc miệng dùng vỏ chai như một c hai nước suối. Khi những chai nước này mất nhãn mác bên ngoài nhìn trong veo không khác gì là một chai nước uống thông thường. Lúc này, hiểm họa ngộ độc là rất cao. Nhiều người nghĩ là nước cầm lên tu ừng ực, khi phát hiện ra thì nhiều khi đã theo “đà” tu mất cả nửa chai”, BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), nói.

 

Do đó, cần bỏ thói quen để những hóa chất, dung dịch nguy hiểm như dầu hỏa, cồn, axit, thuốc trừ sâu… vào những chai lọ nước uống trên. Những dung dịch này cũng phải để xa tầm với của trẻ, cất kỹ để phòng những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra với trẻ.
 
Băng Thu