1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Liên tiếp nhiều vụ tự tử ở trẻ em, nguyên nhân từ đâu?

Vân Sơn

(Dân trí) - Không chỉ quay lưng với mọi người xung quanh, trẻ còn có hành vi tự bạo hành bản thân và hủy hoại sự sống chính mình.

Liên tiếp nhiều vụ tự tử ở trẻ em

Thời gian gần đây, các bệnh viện Nhi trên địa bàn TPHCM thường tiếp nhận các trường hợp tự gây thương tích, tự tử ở trẻ em. Xu hướng này ngày càng gia tăng, để lại những hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân con trẻ, gia đình, xã hội.

Trường hợp tiêu biểu nhất vừa xảy ra ở bé gái 13 tuổi, ngụ tại tỉnh Long An. Cháu là nạn nhân của sự đổ vỡ trong hôn nhân của cha mẹ. Từ khi hai chị em phải mỗi người một nơi cô bé trở nên ít nói, ít trò chuyện, sống khép mình trước mọi người. Bé vẫn nỗ lực học tập, được thầy cô đánh giá có thành tích rất tốt nhưng tâm lý bất ổn đã khiến bé đối mặt với những mâu thuẫn trong môi trường học đường, bị bạn bè xa lánh, tẩy chay trên lớp và trên mạng xã hội.

Liên tiếp nhiều vụ tự tử ở trẻ em, nguyên nhân từ đâu? - 1
Trong lúc nghĩ quẩn, bé gái đã uống thuốc trừ sâu nhưng may mắn được các bác sĩ cứu sống (ảnh: BVNĐ).

Bế tắc nhưng không muốn chia sẻ cùng ai, cô bé đã nghĩ quẩn, tìm đến cái chết để kết thúc sự sống của chính mình. Sau khi uống thuốc diệt rầy tự tử, bé được gia đình phát hiện, đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố điều trị. Nỗ lực của các bác sĩ đã giúp bệnh nhi qua cơn nguy kịch, tuy nhiên những vết thương lòng của bệnh nhi và những khủng hoảng trong cuộc sống chưa biết đến khi nào mới được tháo gỡ.

Một trường hợp khác là bé gái 11 tuổi, ngụ tại Tiền Giang nhập viện trong tình trạng hôn mê sau khi uống cả hộp thuốc ngủ. Khai thác bệnh sử ghi nhận, bé cũng là nạn nhân của môi trường học đường và gia đình. Khi đến trường, bé thường xuyên bị bạn bè chê bai vì nước da ngăm đen. Ở nhà cha mẹ có em nhỏ nên dành nhiều sự quan tâm hơn tới em. Cho rằng bạn bè và gia đình kỳ thị, xa lánh mình, cô bé đã uống thuốc ngủ tự tử nhưng may mắn được các bác sĩ cứu sống.

Mới đây, một bệnh nhi 9 tuổi cũng vừa nhập viện cấp cứu với nhiều vết thương trên cơ thể. Khai thác bệnh sử của các bác sĩ ghi nhận, trước đó bé bị ba mẹ mắng vì hay quậy phá, không tập trung vào việc học. Trong lúc tức giận, bé đã tự dùng mũi kéo đâm vào tay chân và vùng ngực của mình. Khi cha mẹ phát hiện vội đưa bé đến bệnh viện cấp cứu, rất may các vết thương ở phần mềm không đe dọa đến tính mạng bệnh nhi.

Người lớn cần học cách lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ 

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện nhận định, gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ tự tử ở độ tuổi mới lớn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như chuyện tình cảm, áp lực cuộc sống, công việc, học hành, bạo hành thể xác lẫn tinh thần, mâu thuẫn gia đình… Nhóm trẻ ở ngưỡng cửa vào đời dường như đang có xu hướng tìm đến cái chết để giải quyết nỗi buồn, kết thúc áp lực trong cuộc sống. 

Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, hầu hết trẻ em đã đang và sắp có ý muốn tự vẫn có thể không cầu xin sự giúp đỡ, nhưng trên thực tế các bé đang rất cần sự giúp đỡ. Hầu hết các em không muốn chết nhưng lại không muốn phải tiếp tục cuộc sống khổ sở.

Những suy nghĩ và hành động tiêu cực của con trẻ có thể bắt nguồn từ đời sống bất hòa của gia đình, môi trường giáo dục khắc nghiệt thiếu sự quan tâm chia sẻ hoặc các tình huống bị ám ảnh từ mạng xã hội, game. Một nhóm khác có thể là trẻ bị bệnh lý trầm cảm hoặc tăng động, mất kiểm soát… Các vấn đề trên khiến trẻ mất dần kết nối với gia đình, xã hội dẫn tới trạng thái tâm lý lo lắng, vô vọng và tuyệt vọng.

Liên tiếp nhiều vụ tự tử ở trẻ em, nguyên nhân từ đâu? - 2
Giúp trẻ giải tỏa những áp lực của bản thân và hòa đồng với bạn bè, cộng đồng là một trong những liệu pháp để ngăn chặn nguy cơ tự tử.

Để ngăn chặn nguy cơ tự hủy hoại bản thân, tự tử ở trẻ em cần sự phối hợp hỗ trợ từ cả gia đình và nhà trường. Trong đó, cha mẹ, thầy cô và người thân sẽ là hạt nhân nâng đỡ, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ những vui buồn, khó khăn trong cuộc sống của trẻ. Người lớn cần làm gương cho con trẻ với những lối sống tích cực, không dùng bạo lực cả về thể xác và tinh thần để dạy con. 

Người lớn cần hướng dẫn cho trẻ những phương pháp để giải tỏa cảm xúc tiêu cực theo những cách ôn hòa nhất. Hỗ trợ cho trẻ làm chủ cảm xúc, tâm trạng bản thân, phát triển cảm giác đồng cảm, chia sẻ với bạn bè và người lớn, hòa mình vào thế giới xung quanh, đặc biệt là dạy cho trẻ tự chịu trách nhiệm về hành động của mình không đổ lỗi cho hoàn cảnh và người xung quanh.   

Không có gì quý hơn sự sống, cách chuyên gia tâm lý kêu gọi con trẻ hãy học cách yêu thương bản thân mỗi ngày để thấy mọi áp lực từ bên ngoài chỉ là thử thách chính mình cần phải vượt qua và mỗi lần vượt qua khó khăn, bản thân sẽ trưởng thành, bản lĩnh hơn.

Khi cảm thấy bế tắc, có 2 cách để giúp mình vượt qua là quay về với bên trong của mình để tìm ra sức mạnh của bản thân và thứ hai là tìm đến người xung quanh giúp đỡ, không có bất kỳ lý do nào trên đời đáng để tự hủy hoại chính mình. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm