1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giận cha không giữ lời hứa, cậu bé 13 tuổi uống thuốc sâu tự tử

Vân Sơn

(Dân trí) - Cho rằng người cha không giữ đúng lời hứa sẽ mua điện thoại smartphone khi kết thúc năm học được lên lớp, cậu bé 13 tuổi đã uống thuốc sâu tự tử.

Đó là trường hợp của bé T.H.T.K. (13 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang). Ngày 21/7, cháu đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố Hồ Chí Minh với chẩn đoán ngộ độc thuốc trừ sâu. Ngày 14/7, cậu bé được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, trước khi nhập viện cậu bé có mâu thuẫn với cha mẹ vì cho rằng người cha không mua smartphone như đã hứa khi kết thúc năm học cậu con trai được lên lớp. Mặt khác, cậu bé còn bị cha mẹ mắng nên trong lúc quẫn trí, bất mãn cậu bé đã uống thuốc trừ sâu Pertrang 55.5 EC (Cypermethrin + Chlorpyrifos Ethyl).

Giận cha không giữ lời hứa, cậu bé 13 tuổi uống thuốc sâu tự tử - 1

Cậu bé đã may mắn được bác sĩ chẩn đoán, điều trị kịp thời giúp qua cơn nguy kịch (ảnh: NĐTP)

Sau khi uống, bệnh nhi ói liên tục nhiều đàm nhớt, khó thở, rung giật tay, lơ mơ, người nhà phát hiện đưa tới bệnh viện địa phương sơ cứu, rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch, đặt ống thở giúp thở. Khi xe cứu thương chuyển tới Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, bệnh nhi trong tình trạng lơ mơ, mê, tím tái, thở yếu, tăng tiết đàm nhớt, đồng tử 2 bên co nhỏ.

Các bác sĩ cấp cứu nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thuốc trừ sâu rầy nhóm phospho hữu cơ, nên xử trí cho thở máy, rửa dạ dày, uống than hoạt tính để hấp thu độc chất và điều trị thử thuốc giải độc tiêm tĩnh mạch, thấy có đáp ứng với điều trị. Sau kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhi bị ngộ độc thuốc trừ sâu phospho hữu cơ, bệnh nhi đã được điều trị tích cực theo phác đồ.

BS CK2 Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, sau 1 tuần điều trị, tình trạng ngộ độc được đẩy lùi, sức khỏe bệnh nhi dần cải thiện. Cậu bé đã được cai máy thở, tỉnh táo, chức năng cơ quan hồi phục khả quan. Đây là trường hợp khẩn cấp, đe dọa trực tiếp tính mạng, nhờ chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch. Bên cạnh việc điều trị chuyên môn, bệnh nhi đã được chuyên gia tâm lý can thiệp, hỗ trợ, giúp cháu ý thức được hành động nguy hiểm của mình.

Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, trẻ em ở tuổi dậy thì là độ tuổi nhạy cảm, bốc đồng nên trong cách hành xử với con trẻ, cha mẹ cần phải đặc biệt tâm lý để tránh làm tổn thương đến các bé. Các bậc phụ huynh cần quan tâm, hỗ trợ cho con em mình, nắm bắt tâm tư, tình cảm, kịp thời động viên, chia sẻ giúp các bé vượt qua những khó khăn của bản thân trong suy nghĩ cũng như hành động để chuẩn bị hành trang tốt nhất bước vào giai đoạn trưởng thành.