Lên núi bắt ong, nam thanh niên bị rắn hổ chúa cắn nguy kịch
(Dân trí) - Chỉ 30 phút sau khi cầm con rắn hổ chúa cắn mình về nhà, người đàn ông khó thở, không thể tự đi vệ sinh và nằm liệt trên giường. Khi được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, bệnh nhân nguy kịch.
Chiều 28/6, bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Khánh, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, nơi đây đang tiến hành điều trị cho một trường hợp bị nhiễm độc thần kinh nặng do bị rắn cắn.
Bệnh nhân là một người đàn ông 30 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khai thác bệnh sử từ gia đình, sáng 26/6, bệnh nhân lên núi để tìm bắt ong bán, kiếm tiền mua sữa cho 2 con thì thấy một con rắn nặng khoảng 2kg. Bệnh nhân tiến hành bắt và bị rắn cắn trúng cổ tay trái.
Chỉ 30 phút sau khi bắt được rắn mang về nhà, bệnh nhân chuyển từ đau ở vết cắn sang sụp mi, thở khó, yếu tứ chi, không thể tự đi vệ sinh và nằm liệt trên giường.
Người đàn ông được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng suy hô hấp, được đặt nội khí quản, thở máy và chuyển lên tuyến trên vì không có huyết thanh kháng nọc rắn.
Khi vào Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân đã liệt cơ hoàn toàn, tình trạng nguy kịch.
Qua khai thác bệnh sử và hình ảnh do người nhà cung cấp, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm độc nặng do rắn hổ chúa cắn. Ekip điều trị tiến hành hội chẩn, xin ý kiến lãnh đạo khoa, trước khi quyết định dùng huyết thanh kháng nọc rắn đa giá.
Sau khi truyền 5 lọ huyết thanh đầu tiên, bệnh nhân cải thiện sức cơ từ 0/5 lên 1-2/5, nhưng vết cắn bị sưng nề từ bàn tay lên cánh tay, vai và lan ra 1/3 ngực trái, đồng thời vẫn phải thở máy vì suy hô hấp. Lúc này, ekip điều trị quyết định truyền thêm 5 lọ huyết thanh nữa.
Sau 24 tiếng điều trị, bệnh nhân đã cải thiện về lâm sàng, cai được máy thở, sức cơ trở về bình thường, vết cắn vẫn còn sưng nề nhưng không còn lan rộng nữa.
Theo bác sĩ Khánh, tình trạng nhiễm độc thần kinh do rắn hổ chúa cắn ngoài dẫn đến liệt cơ còn có thể khiến bệnh nhân rối loạn nhịp tim, thậm chí ngưng tim và tử vong. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, gây choáng và phải lọc máu.
Dù vậy ở trường hợp trên, sau khi dùng huyết thanh liên tục, bệnh nhân đã có cải thiện sức khỏe tốt, không phải điều trị bằng nhiều biện pháp phức tạp. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được theo dõi sát 48-72 giờ nữa, đề phòng các biến chứng xấu bất ngờ.
Hiện tại, chưa thể nói trước về thời điểm bệnh nhân qua cơn nguy hiểm để nghĩ đến viện xuất viện.
Theo bác sĩ Khánh, huyết thanh đa giá mà Bệnh viện Chợ Rẫy đang có dùng để điều trị các trường hợp ngộ độc do rắn hổ chúa, rắn hổ đất, rắn cạp nong và rắn cạp nia, không dùng cho rắn hổ mèo và các loại rắn gây rối loạn đông máu.
Bác sĩ cảnh báo, thông thường bệnh nhân vô tình gặp rắn sẽ không phân biệt được loại rắn gì, có độc hay không. Do đó, cách tốt nhất để đảm bảo an toàn là không nên đánh bắt rắn. Nếu chẳng may bị rắn cắn nhưng vết thương sưng nề, nên khẩn cấp đến bệnh viện để được kiểm tra có bị nhiễm độc hay không và xử trí sớm.
Ngoài ra, việc xác định tác nhân gây bệnh rất quan trọng. Người dân nếu bắt được con rắn đã cắn mình nên đem vào bệnh viện, giúp bác sĩ nhận diện được loại rắn nào để dùng loại huyết thanh điều trị phù hợp.