Lên bàn mổ, trẻ em đối mặt với nguy cơ nào?

Dư luận đang hoang mang trước thông tin 3 bệnh nhi được phẫu thuật từ thiện hở hàm ếch vừa liên tiếp tử vong tại Khánh Hòa.

Phóng viên VietNamNet đã có buổi trao đổi với bác sĩ Nguyễn Ngọc Cường – Trưởng khoa Phẫu thuật – gây mê – hồi sức, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, nhằm giúp hiểu rõ hơn về điều kiện, quy trình thông thường đối với một ca phẫu thuật, gây mê cho trẻ em.

 

Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ

 

Theo bác sĩ Cường, một bệnh nhi trước khi làm phẫu thuật cần làm đầy đủ các bước kiểm tra cần thiết.

 

Trước tiên, bệnh nhi phải được khám tổng quát để phát hiện các tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh lý về tâm thần vận động. Trong lúc khám lâm sàng bệnh nhi sẽ được điều tra kỹ lưỡng về bệnh sử xem có tiền căn dị ứng hay không.

 

Tuy nhiên, bác sĩ Cường công nhận việc điều tra về tiền căn dị ứng của bệnh nhi không phải chuyện dễ, nhất là đối với những bệnh nhi ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

 

“Bản thân phụ huynh ở các tỉnh miền núi, nông thôn cũng rất mù mờ về tình trạng sức khỏe của con mình. Do đó với các trường hợp này bác sĩ phải biết cách hỏi. Nếu ta dùng từ dị ứng có thể thân nhân bệnh khi không biết, nhưng hỏi có thấy bé bị phong ngứa bao giờ không thì họ lại hiểu…”, bác sĩ Cường chia sẻ.

 

Khám lâm sàng và điều tra bệnh sử xong, bác sĩ sẽ cho bệnh nhi làm các chỉ định cận lâm sàng phù hợp. Với những ca có tiền căn dị ứng, trước khi phẫu thuật phải họp hội chẩn để cân nhắc, né tránh những thuốc có nhóm hoạt chất nguy cơ.

 

Một điểm khác biệt nữa đối với phẫu thuật cho trẻ em chính là công tác tâm lý.

 

Các bé dưới 10 tháng tuổi, khi tách khỏi mẹ dễ dàng hơn vì chưa biết theo. Nhưng những trẻ từ 1 tuổi trở lên nhân viên y tế phải biết cách để tránh tạo stress cho bé trong lúc mổ.
 

Trẻ được phẫu thuật từ thiện hở hàm ếch. (Ảnh minh họa).

Trẻ được phẫu thuật từ thiện hở hàm ếch. (Ảnh minh họa).

 

Ngoài ra, nhịn ăn là một khâu rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho trẻ lúc phẫu thuật. Trẻ cần nhịn ăn uống trước khi mổ từ 6 - 8h, uống nước cũng phải trước đó 2h.

 

Nếu kiểm soát không tốt trong lúc mổ bệnh nhi rất dễ bị biến chứng trào ngược dẫn tới viêm phổi hít, co thắt thanh quản và đối diện với nguy cơ tử vong.

 

Bên cạnh đó, điều kiện tiên quyết không thể thiếu, ca phẫu thuật phải diễn ra trong phòng mổ có đầy đủ các thiết bị theo dõi, máy móc hỗ trợ, tay nghề của bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê, điều dưỡng…

 

Sự cố y khoa trên bàn mổ

 

Bác sĩ Cường cho biết, những sự cố y khoa hay gặp nhiều nhất trên bàn mổ là nôn ói, sặc, khiến bệnh nhi viêm phổi hít hay co thắt thanh quản. Tiếp đến là những biến chứng về tim mạch (loạn nhịp tim do thuốc).

 

Riêng với các sự cố dễ gặp trong gây mê, bác sĩ Cường lưu ý, nếu không điều tra bệnh sử kỹ lưỡng có thể xảy ra tình huống trẻ bị dị ứng với thuốc mê khiến da nổi mề đay, đỏ ngứa, nặng hơn là sốc phản vệ.

 

Thông thường, nếu nguyên nhân gây dị ứng hoặc sốc do thuốc mê thì xảy ra tức thời ngay sau khi dùng thuốc.

 

Hiện nay, kỹ thuật gây mê cho trẻ em là gây mê bằng mask kèm giảm đau hoặc gây mê toàn thân. Với trẻ, bác sĩ ít khi dùng phương pháp gây tê tại chỗ vì bé không hợp tác. Tùy từng cuộc mổ mà thời gian gây mê dài ngắn khác nhau.

 

Gây mê xong, thấy trẻ có biểu hiện nổi mề đay, đỏ da, ngứa, mạch nhanh, tụt huyết áp, tím tái, khó thở (sốc phản vệ) bác sĩ phải ngưng ngay thuốc gây sốc. Sau đó đặt đầu bệnh nhi nằm thẳng và cho thở Oxy (hoặc đặt nội khí quản nếu bệnh nhân ngưng thở), tiêm ngay Adrenaline, hydrocortisone, thuốc kháng Histamin.

 

Lúc trẻ bị sốc, cơ thể sẽ phóng thích ra một chất làm dãn mạch, co thắt phế quản, không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

 

Cũng theo bác sĩ Cường, nguyên nhân gây sốc phản vệ trong phẫu thuật ở trẻ, ngoài thuốc mê, đôi khi còn do thuốc kháng sinh dự phòng, thuốc gây tê...

 

Chính vì những phức tạp về tâm sinh lý, cơ thể học nói trên, bác sĩ Cường nhấn mạnh, muốn thực hiện một ca phẫu thuật an toàn cho trẻ nhất thiết phải do những bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức  đảm nhiệm và trải qua đầy đủ các khâu trước, trong và sau mổ theo đúng quy trình.

 

3 bé được phẫu thuật từ thiện hở hàm ếch đã tử vong tại Khánh Hòa. Trước tình hình này, Bộ Y tế vừa có văn bản chỉ đạo đình chỉ ngay chương trình phẫu thuật nhân đạo do Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười OSCA phối hợp với một cơ sở y tế thực hiện. Nguyên nhân dẫn tới cái chết của 3 trẻ em này đang được điều tra và làm rõ.

 

Theo Thanh Huyền

Vietnamnet