Lấy đâu sừng tê giác mà bán!
Trong vai người có thân nhân mắc chứng bệnh “bác sĩ chê”, cần có sừng tê để cải tử hoàn sinh, chúng tôi dạo qua “chợ sừng tê lớn nhất Việt Nam” trên đường Hải Thượng Lãn Ông (TPHCM), nơi người ta bày bán những cái sừng “tăng lực” như bán rau cỏ.
Không dừng lại ở mê trận cây cỏ và cao đơn hoàn tán, phố thuốc Đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP HCM) còn nức tiếng trong giới con bệnh nan y và những người lắm tiền vì nguồn cung ứng sừng tê được đồn thổi “tăng lực - chữa bách bệnh” vô hạn và cả những ngón lừa tinh quái mà chỉ cần non cơ là ai đó rất dễ bị đám con buôn gian manh… xẻ thịt.
Bát ngát “phụ tùng” của trâu một sừng!
Trước khi tiến công vào “chợ sừng tê”, chúng tôi được bà Hồ Thị Nga nhà ở quận Phú Nhuận, mách nước: “Phố thuốc có cả trăm quầy thuốc nhưng không phải quầy nào cũng trưng bán sừng tê. Có những quầy tôi thấy họ bày cả chục cái “phụ tùng” của con trâu một sừng nhưng khi hỏi “đây có phải sừng tê không thì họ lắc đầu”.
Sau khi khoe cách đây 2 tháng có tậu một miếng sừng tê với giá “ba ngàn” (3.000 USD) về cho tướng công “luyện chưởng”, bà Nga phân tích: “Do sừng tê là mặt hàng cực kỳ quý hiếm và là hàng quốc cấm nên nếu là khách lạ chủ quầy không bao giờ bán trực tiếp mà chỉ bán qua trung gian, nghĩa là qua mấy tay cò thường hay lảng vảng trước cửa hàng hoặc mối thân quen. Màn sàng lọc bước đầu này giúp chủ cơ sở được an toàn và khỏi phải phí thời gian quý báu của họ”.
Mang mớ “hành trang” căn dặn của bà Nga, chúng tôi tự tin tiến công vào phố thuốc và choáng ngợp trước vô số cái sừng cong cong, đen đen, u nần được nhiều chủ cửa hàng bày trong những cái tủ kính.
Một góc chợ "sừng tê"...
Tại một cửa hiệu, thấy khách nãy giờ đứng ngắm nghía mấy cái sừng không rời mắt, bà chủ đậm người xán tới hỏi: “Cưng có người nhà bị ung thư phải không?”. Nhìn khách gật đầu với vẻ mặt thảm sầu, chị ta giọng tự tin: “Khách vào cửa hàng có hai dạng. Một là mặt bừng bừng thần khí kiếm mua sừng tê để duy trì sức khỏe. Dạng còn lại đầy u buồn cần sừng đặng về chữa trị cho người thân. Chị kinh doanh hơn hai chục năm nên chỉ cần nhìn khách là biết họ ra sao rồi”.
- Đây có phải sừng tê không chị? Giá bao nhiêu một cái?
“Chỉ là sừng trâu tạo dáng thôi” - bà nọ trả lời: “Sừng tê giác muốn có được ngoài có tiền còn phải có duyên nữa kia. Không khéo dễ sụp bẫy bọn bất lương lắm”. Tiễn khách, chủ quầy nói: “Chị có một người quen hiện còn một cái sừng muốn bán nhưng chỉ bán cho người quen biết kia. Nếu muốn cưng để số điện thoại, nó đồng ý thì chị sẽ gọi”.
Coi chừng… cắn câu!
Xuyên suốt “chợ sừng tê”, chúng tôi ghi nhận 3 điểm khác cũng bày bán cái món vũ khí của những con trâu một sừng. Hỏi có phải đó là sừng tê không thì người bán nào cũng ậm ừ, có người nói bóng gió: “Nghĩ là sừng của con gì thì là sừng của con nấy”(?!). Và đúng như mách nước của bà Nga, khi khách ngỏ ý mua “đồ nghề” của trâu một sừng thì các chủ quầy đều thẳng thắn khước từ. Người bảo: “Đây chỉ là hàng trưng bày làm quà lưu niệm bán cho khách nước ngoài”, kẻ nói mình chỉ là cầu nối giữa người cần bán với người cần mua rồi đề nghị khách lưu số điện thoại cửa hàng của mình với lời nhắn “nếu cần hàng thì tuần sau gọi lại”.
Dấn sâu tìm hiểu mới biết những cú lắc đầu khước từ và những lời đề nghị: “Để số điện thoại”, “có gì alô sau” là những ngón đòn dạo đầu để các chủ quầy ma mãnh đưa những con mồi lắm tiền ngờ nghệch vào bẫy.
Nói về cái sừng mà bà Nga mua với giá 3.000 USD, lương y Kỳ Bá Minh ở khu vực Chợ Lớn, lắc đầu: “Tôi chắc chắn 100% là đồ giả bởi Việt Nam hiện chỉ còn vài con tê giác thì lấy đâu ra sừng mà mua với bán. Nếu là sừng tê thật mà thường họ bảo nhập từ châu Phi, Nam Phi thì con buôn không bán lôm côm như vậy đâu bởi sợ bị ngành chức năng tịch thu thì bại sản. Trên thị trường chợ đen, mỗi cái sừng trị giá hàng chục ngàn đôla, có cái lên đến bạc tỷ. Đắt giá thế họ chỉ bán qua mối quen biết tin cậy, bán trong bí mật chứ đâu có kiểu gần như công khai như vậy được”.
Theo Thành Dũng
CANDonline