Lãnh đạo Bộ Y tế nói gì về việc lây nhiễm chéo Covid-19 cho cán bộ y tế?

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng cuộc chiến với Covid-19 đã kéo dài hơn hai tháng. Các bệnh viện cần thực hiện nghiêm vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn, để không lây cho cán bộ y tế.

Chia sẻ tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Y tế với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chiều 24/3, PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết thời gian qua số lượng bệnh nhân Covid-19 đến bệnh viện đông hơn, đa dạng về độ tuổi. Nếu như giai đoạn 1 chủ yếu là người trẻ thì giai đoạn 2 có cả tuổi cao, bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, COPD) giống như nhiều nước hiện nay. Vì thế, diễn biến dịch của đợt này có khó khăn hơn so với trước.

Lãnh đạo Bộ Y tế nói gì về việc lây nhiễm chéo Covid-19 cho cán bộ y tế? - 1

Bệnh viện đã yêu cầu các cán bộ y tế tuyệt đối tuân thủ đúng về vấn đề điều trị, cách ly…

“Số lượng bệnh nhân đông, mật độ tương đối nhiều, ca bệnh diễn biến thường xuyên, cán bộ y tế tiếp xúc thường xuyên nên thời gian qua tại bệnh viện một bác sĩ nhiễm bệnh. Cán bộ y tế này thường xuyên tiếp xúc ngay từ giai đoạn 1, làm ở khu vực cách ly, phòng áp lực âm đông bệnh nhân dương tính. Đây là trường hợp đáng buồn với nhân viên của bệnh viện”, PGS Thạch nói.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho biết, cán bộ y tế nhiễm bệnh là điều không ai mong muốn, nhưng đã xảy ra. Tại Trung Quốc có đến hơn 3.000 cán bộ y tế lây nhiễm.

Vì đã có trường hợp lây nhiễm chéo trong bệnh viện, nên PGS Khuê đề nghị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cần rà soát lại toàn bộ các quy trình theo đúng quy định của Bộ Y tế, kiểm tra việc thực hiện của các khoa phòng, thậm chí có biện pháp kỷ luật với nơi nào làm không đúng.

“Phải làm việc nghiêm túc để bệnh không tiếp tục lan tràn cho cán bộ y tế. Việc cởi đồ phòng hộ như thế, xử lý đồ vải như thế nào… đều cần làm quyết liệt để không lây trong bệnh viện, không lây ra môi trường, để cán bộ y tế có đủ sức lực và niềm tin chiến đấu với đại dịch”, PGS Khuê nói.

Lãnh đạo Bộ Y tế nói gì về việc lây nhiễm chéo Covid-19 cho cán bộ y tế? - 2
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đánh giá cao nỗ lực và cống hiến của tập thể y bác sĩ bệnh viện trong thời gian qua trong công tác thu dung, tiếp nhận, điều trị kể cả ca nặng, nguy kịch tính mạng. Dịch diễn biến trong thời gian dài vừa qua đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ y tế.

Sau tai nạn nghề nghiệp với bác sĩ khoa Cấp cứu, thứ trưởng Sơn bày tỏ sự thông cảm khi các y bác sĩ đã phải tham gia cuộc chiến chống Covid-19 kéo dài hơn 2 tháng qua.

“Suốt ngày quần quật trong khoa, thay đồ rồi vào điều trị cho bệnh nhân. Ngày nào công việc cũng như thế thì chắc chắn sẽ có lúc sơ hở”, thứ trưởng Sơn nói.

Vì thế, thứ trưởng đề nghị Bệnh viện nghiên cần cứu lại, tổ chức nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn trực tiếp xuống khoa phòng theo dõi để đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về nhiễm khuẩn. Đặc biệt là các nhân viên y tế khi thực hiện các thủ thuật can thiệp trên bệnh nhân, đặc biệt là can thiệp đường thở… thì cần check chéo để đảm bảo an toàn.

Thứ trưởng mong muốn tình trạng lây nhiễm từ người bệnh sang nhân viên y tế giảm thiểu một cách tối đa trong môi trường bệnh viện. Bệnh viện cần có kế hoạch về nguồn nhân lực, huy động từ các khoa khác, luân chuyển cán bộ y tế trong trường hợp dịch còn kéo dài.

Về cách ly với chính cán bộ y tế, thứ trưởng Sơn cho rằng có thể lựa chọn hình thức cách ly tại bệnh viện, cán bộ y tế ăn, ngủ lại tại bệnh viện trong giai đoạn hiện nay. Bệnh viện còn rộng, có thể bố trí một khu riêng cho cán bộ y tế nghỉ ngơi hoặc sắp xếp một cơ sở cư trú gần bệnh viện, trường hợp khó khăn thì có thể cách ly tại nhà nhưng phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu.

Nam Phương