"Y bác sĩ chấp nhận rủi ro mắc Covid-19 để cứu bệnh nhân"!
(Dân trí) - "Thấy người có nguy cơ mắc Covid-19, nhiều người kỳ thị, nhưng y bác sĩ là người đón họ, điều trị họ. Bác sĩ có nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhưng vẫn luôn giữ “tinh thần thép” sẵn sàng chống dịch"!
TS.BS Lê Văn Dụng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tự hào về những y bác sĩ của mình đã luôn giữ vững một "tinh thần thép" trong cuộc chiến với "giặc" Covid-19.
Những "chiến binh blouse trắng"!
Theo TS Dụng, với các bác sĩ nơi tuyến đầu chống Covid-19, đó thực sự như một cuộc chiến: “Cái khó nhất trong cuộc chiến này là không thể nhìn thấy kẻ địch và kẻ địch dường như luôn ở chỗ nào đó xung quanh mình”.
Đã là một cuộc chiến thì rủi ro, mất mát là điều không tránh khỏi. Ngay tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vừa qua cũng đã ghi nhận 1 trường hợp bác sĩ trẻ của khoa Cấp cứu bị lây nhiễm chéo virus SARS-CoV-2, trong quá trình chống dịch.
"Các bác sĩ, nhân viên y tế của chúng tôi tinh thần vẫn ổn, không lung lay. Họ biết được nguy cơ nhiễm virus cao bởi tiếp xúc liên tục bệnh nhân. 12 tiếng kết thúc một ca trực, đó là từng đó thời gian họ tiếp xúc bệnh nhân. Không một phương tiện bảo hộ nào giúp họ phòng bệnh 100%. Biết rõ rủi ro đó, nhưng các nhân viên y tế chấp nhận điều đó, đối đầu với nguy hiểm. Họ xứng đáng được ví như các "chiến binh blouse trắng" nơi tuyến đầu chống dịch", TS Dụng chia sẻ.
TS Dụng chia sẻ thêm, sau việc một bác sĩ tại Bệnh viện bị nhiễm Covid-19 trong quá trình chống dịch, các chiến binh không những không nao núng, hoang mang mà thậm chí còn quyết tâm và có trách nhiệm hơn trong cuộc chiến này. “Điều may mắn là sức khỏe của bác sĩ nhiễm Covid-19 vẫn đang rất tốt và ổn định. Toàn bộ những y, bác sĩ tiếp xúc gần đều đã có kết quả âm tính. Lực lượng này vẫn sàng sàng tiếp tục vừa cách ly vừa tham gia chống dịch” – TS.BS Lê Văn Dụng cho biết.
TS.BS Lê Văn Dụng trích lời chia sẻ của một điều dưỡng đang tham gia chống dịch, để thể hiện quyết tâm chung của các cán bộ tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: “Mọi nhân viên y tế của Bệnh viện đều có tinh thần thép và xác định nguy cơ lây nhiễm chéo là rất cao. Điều dưỡng của khoa hồi sức tích cực khi chăm sóc bệnh nhân nặng phải đứng trong buồng bệnh liên tục 12 giờ, với công tác chăm sóc chuyên sâu nhưng chúng tôi luôn vững dạ, yên tâm”.
Là một bác sĩ điều trị trực tiếp bệnh nhân, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện, khẳng định: "Là bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19, bất kể ai trong chúng tôi cũng xác định nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2, nhưng không ai do dự khi tiếp nhận bệnh nhân, điều trị bệnh nhân. Chúng tôi vẫn vững vàng tinh thần, sau khi một bác sĩ ở khoa nhiễm nCoV trong quá trình làm việc", BS Cấp nói.
BS Cấp chia sẻ thêm: "Bác sĩ nhiễm nCoVlà một bác sĩ nam, 29 tuổi, tiếp xúc, điều trị các ca mắc Covid-19 liên tục từ 31/1/2020. Trong quá trình làm việc bác sĩ được cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân. Nhưng có một loại thiết bị bảo hộ nào giúp bác sĩ, nhân viên y tế an toàn tuyệt đối trước bệnh tật. Thế giới cũng chưa sản xuất được các bộ đồ bảo hộ nào đảm bảo giúp nhân viên y tế miễn nhiễm 100%", BS Cấp nói.
Như với khẩu trang N95 có độ an toàn cao nhất cũng chỉ ngăn được 95% số giọt nhỏ mang mầm bệnh, còn 5% vẫn lọt qua. "Càng tiếp xúc bệnh nhân nhiều, bác sĩ càng có nguy cơ lây nhiễm cao. Các bác sĩ thay phiên nhau trực tiếp tham gia điều trị cho các bệnh nhân. Họ làm việc ngày đêm, thậm chí ăn, ngủ ngay tại bệnh viện để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh cho cộng đồng, nhưng họ chấp nhận rủi ro cao có thể mắc Covid-19 bất cứ lúc nào", BS Cấp nói.
Theo ông Nguyễn Đình Anh Vụ trưởng Vụ truyền thông - Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế, nhân viên y tế đang trực tiếp chống dịch là những người thường xuyên, liên tục tiếp xúc với các nguồn bệnh, do đó họ đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất.
"Nếu chúng ta không có biện pháp phòng hộ đầy đủ và chỉ sơ suất trong một vài động tác thì nguồn lây nhiễm có thể xâm nhập vào cơ thể. Bài học thực tế từ nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cho các bác sĩ. Bộ Y tế cũng đang nỗ lục để đảm bảo các trang thiết bị phòng hộ cá nhân cho các nhân viên y tế, nhằm hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh đến lực lượng trên tuyến đầu chống dịch này”, ông Đình Anh cho biết.
3 lớp chống dịch sẵn sàng ứng phó với những kịch bản xấu nhất
Xác định cuộc chiến còn dài và có thể còn nhiều y, bác sĩ bị lây nhiễm Covid-19, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tổ chức lực lượng nhiều lớp, xây dựng các kịch bản dự trù, để không rơi vào thế bị động khi các tình huống xấu xảy ra.
“Hiện nay lực lượng y, bác sĩ tại Bệnh viện đang được tổ chức thành 3 lớp. Ở cơ sở Kim Chung, nơi trực tiếp cách ly theo dõi các đối tượng có nguy cơ cao, cũng như điều trị ca bệnh Covid-19 là 2 lớp tuyến đầu, 1 lớp trong, 1 lớp ngoài. 2 lớp này hỗ trợ cho nhau. Nếu lớp trong không may có vấn đề gì thì lớp ngoài sẵn sàng vào tiếp ứng. Lớp thứ 3 hiện là lực lượng y, bác sĩ ở cơ sở Giải Phóng. Bệnh viện đã xác định đây sẽ là hậu phương và sẵn sàng để hỗ trợ chống dịch”.
Trong giai đoạn thứ hai của cuộc chiến chống dịch, chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam liên tục ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 mới, tạo sức ép lớn lên lực lượng tuyến đầu. Tuy nhiên, TS.BS Lê Văn Dụng khẳng định, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vẫn đang kiểm soát tốt tình hình, không hề có hiện tượng quá tải, tinh thần của các y, bác sĩ là rất cao nên người dân cần đặt niềm tin, không nên quá hoang mang, lo lắng.
Cùng với đó, phía Bệnh viện cũng rất trân trọng sự chung tay từ các nhà hảo tâm trong công tác chống dịch. “Những khoản ủng hộ của bạn đọc qua báo Dân trí, chúng tôi sẽ ưu tiên tối đa cho công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là trang thiết bị phòng hộ cho y, bác sĩ để tránh được nguy cơ cao nhất. Đồng thời, hỗ trợ thêm các điều kiện để anh em tự tin, vững tâm chống dịch”.
Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ truyền thông - Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế cho biết: “Thời gian gần đây, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào quyên góp cho công tác chống dịch Covid-19, đã có nhiều nhà hảo tâm tích cực tham gia đóng góp các khoản kinh phí, trang thiết bị, vấn đề phòng hộ cho các y, bác sĩ nơi tuyến đầu, đây là những đóng góp rất quan trọng. Về phía Bộ Y tế, cũng đã có những chính sách hỗ trợ và kịp thời khen thưởng với các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác chống dịch”.
Sáng nay 24/3, tại toà soạn báo Dân trí, Nhà báo Phạm Huy Hoàn, Tổng Biên tập báo Điện tử Dân trí đã thay mặt một bạn đọc Dân trí (xin được giấu tên) trân trọng trao tới tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương số tiền 1 tỉ đồng. Đây là số tiền bạn đọc hỗ trợ với mong muốn để được nâng cao chế độ ăn, bồi dưỡng, làm thêm giờ cho toàn thể y, bác sĩ và nhân viên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ngày đêm chăm sóc, phục vụ bệnh nhân Covid–19. TS.BS Lê Văn Dụng thay mặt cán bộ, nhân viên y tế xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới bạn đọc Dân trí và cam kết sẽ sử dụng số tiền này đúng mục đích, công khai, minh bạch.
M.Nhật - H.Hải - T.Vũ