Lần đầu ứng dụng robot phẫu thuật bệnh nhược cơ
(Dân trí) - Lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy ứng dụng robot trong phẫu thuật bệnh nhược cơ. Bước đầu cho thấy, người bệnh được loại bỏ triệt để tuyến ức, mang lại hiệu quả khả quan sau điều trị.
Ngày 13/7, thông tin từ PGS.TS.BS Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tại đây đã ứng dụng thành công kỹ thuật mổ tuyến ức, điều trị bệnh nhược cơ nhờ sự hỗ trợ của robot.
Nữ bệnh nhân đầu tiên thực hiện kỹ thuật này là chị Phan Thị Mỹ N. (35 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long). Người bệnh nhập viện với biểu hiện sụp mí mắt, khó thở, vận động khó khăn.
Qua thăm khám xác định, bệnh nhân tồn tại tuyến ức với chẩn đoán nhược cơ độ 2A (mức độ nặng). Bệnh nhân đã điều trị nội khoa 2 năm nhưng tình trạng bệnh không cải thiện, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống, nguy cơ liệt chức năng hô hấp, viêm phổi dẫn tới tử vong.
Phân tích chuyên môn của PGS Hữu Vĩnh cho thấy: bệnh lý nhược cơ thường gặp ở nữ giới (cao gấp 3 lần nam) hiện chưa xác định được nguyên nhân.
Những chứng cứ y khoa chỉ ra, nhược cơ nguyên nhân do dẫn truyền thần kinh bị nghẽn, chất xúc tác không hủy được, tình trạng trên có liên quan đến sự tồn tại của tuyến ức. Thông thường, tuyến ức chỉ có ở trẻ em và tự hủy khi đến tuổi trưởng thành nhưng người bị nhược cơ thì tuyến ức tồn tại, phình lớn.
Việc phẫu thuật loại bỏ tuyến ức được xem là giải pháp hiệu quả và duy nhất hiện nay. Mổ hở hoặc mổ nội soi là những phương pháp cổ điển được triển khai. Tuy nhiên, tuyến ức là điểm tồn tại nhiều động mạnh đưa máu đi nuôi cơ thể, việc phẫu thuật thường đối mặt với nhiều rủi ro nên 2 phương pháp trên không thể bóc tách, loại bỏ triệt để tuyến ức khiến việc điều trị không mang lại kết quả như mong đợi.
Trong ca đầu tiên ứng dụng robot hỗ trợ phẫu thuật, nhờ cánh tay linh hoạt của robot, trong phẫu trường hẹp các bác sĩ vẫn dễ dàng thực hiện thao tác nạo, loại bỏ triệt để các mô sừng tuyến ức. Sau phẫu thuật, tình trạng nhược cơ ở bệnh nhân được cải thiện tốt.
Vân Sơn