Lần đầu tiên tạo hình lưỡi bằng vạt da đùi cho bệnh nhân ung thư

(Dân trí) - Lần đầu tiên tại Bệnh viện K (Hà Nội), các bác sĩ đã cắt bỏ khối ung thư sàn miệng, bệnh nhân mất ½ lưỡi và được tạo hình lại lưỡi bằng chính vạt da đùi trước của bệnh nhân.

Bệnh nhân Nguyễn Ngọc D. (nam 42 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đến BV K khám vì phát hiện bên trái sàn miệng có khối u khiến cho việc ăn, nói, nuốt… rất khó khăn. Tại BV, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối u sàn miệng bên trái kích thước 3x3.5cm, cứng, chắc, thể thâm nhiễm, sát lợi hàm và xâm lấn vào mặt dưới lưỡi.

Kết quả chụp MRI cho thấy vùng sàn miệng bên trái của bệnh nhân có khối kích thước 21x24x36 mm, hạch dưới hàm hai bên kích thước 12mm.

Kết quả giải phẫu bệnh khối u xác định bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào vảy xâm nhập, độ II.

“Khi xác định được bệnh, chúng tôi đã tiến hành các xét nghiệm để đánh giá mức độ di căn xa như di căn hạch, phổi, hệ tiêu hóa… Kết quả cho thấy bệnh nhân đang ở giai đoạn II, tại chỗ không có di căn xa và quyết định can thiệp phẫu thuật cho bệnh nhân”, ThS. BS. Dương Mạnh Chiến (Khoa Điều trị A, Giảng viên Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình, ĐH Y Hà Nội) cho biết.

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân có sự phối hợp của các bác sĩ ung thư Khoa Điều trị A, khoa Ngoại đầu cổ và chuyên khoa Phẫu thuật Tạo hình.

Lần đầu tiên tại BV K phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư được kết hợp với chuyên ngành Phẫu thuật tạo hình để tạo hình lại bộ phận bị cắt bỏ vì ung thư cho bệnh nhân.
Lần đầu tiên tại BV K phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư được kết hợp với chuyên ngành Phẫu thuật tạo hình để tạo hình lại bộ phận bị cắt bỏ vì ung thư cho bệnh nhân.

Bước đầu tiên, các bác sĩ tiến hành cắt rộng khối ung thư sàn miệng trái và một nửa lưỡi trái. Khối u đã xâm lấn vào màng xương nên phải cắt không đứt đoạn xương hàm dưới trái kèm theo vét hạch cổ trái.

Tuy nhiên sau khi cắt u đã để lại một khuyết tổn lớn do đã cắt bỏ khối u gây mất một nửa lưỡi, chậu sàn miệng bên trái.

Các bác sĩ đã quyết định can thiệp vi phẫu, tạo hình lưỡi, sàn miệng cho bệnh nhân bằng chính vạt da đùi của bệnh nhân. Sau ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng, các bác sĩ đã tạo hình thành công lưỡi, chậu sàng miệng trái.

“Sau 2 tuần phẫu thuật bệnh nhân được xuất viện và kết quả khám lại sau 1 tháng cho thấy thấy lưỡi của bệnh nhân hình dáng như bình thường, việc ăn, nói, nuốt diễn ra bình thường. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn phải tiếp tục quá trình điều trị theo phác đồ xạ trị phối hợp sau mổ”, BS Chiến cho biết.

Theo BS Chiến, kỹ thuật tạo hình lưỡi, sàn miệng bằng vạt vi phẫu cho bệnh nhân D. lần đầu tiên được áp dụng tại bệnh viện K và đã cho một kết quả tốt. Bệnh nhân vẫn ăn, nói, nuốt bình thường nhờ lưỡi mới được tạo hình.

Đây sẽ là một hi vọng cho các bệnh nhân ung thư bởi kỹ thuật vi phẫu có thể tạo hình cho hầu hết các tổn thương lớn sau cắt bỏ ung thư ở hầu hết các vị trí như ung thư da, mô mềm, khoang miệng, ung thư hạ họng, ung thư vú, ung thư dương vật, tầng sinh môn…

Đặc biệt, sức sống của vạt tổ chức tốt do đó sau khi phẫu thuật tạo hình vạt có khả năng chịu đựng được các điều trị phối hợp như hóa chất, xạ trị.

Cũng theo BS Chiến, với sự phối hợp của chuyên ngành Phẫu thuật Tạo hình sẽ giúp các bác sĩ chuyên ngành ung thư có thể cắt khối u một cách rộng rãi, triệt để làm giảm nguy cơ tái phát, do đó có thể mở rộng chỉ định phẫu thuật đối với các ung thư giai đoạn muộn.

Đặc biệt sau khi cắt khối u rộng có thể can thiệp, tạo hình để trả lại chức năng của những bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng vì ung thư. Qua đó giúp người bệnh phục hồi về chức năng, giải phẫu, thẩm mỹ cũng như tâm lý, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm