Lần đầu tiên nối thành công phần tai bị đứt rời
(Dân trí) - TS Nguyễn Hồng Hà, trưởng khoa phẫu thuật Tạo hình - hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức, cho biết bệnh viện vừa nối thành công phần tai cho bệnh nhân. Đây là 1 ca khó vì cấu trúc giải phẫu của tai rất đặc biệt.
Một nam thanh niên 26 tuổi ở Bắc Giang do mâu thuẫn với bạn bè bị bạn dùng dao cắt đứt tai. Sau khi tìm lại được phần tai bị đứt, thanh niên này được xử lý cầm máu và chuyển thẳng tới bệnh viện Việt Đức.Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hoảng hốt, căng thẳng, tai phải bị đứt lìa hoàn toàn, có nhiều vết thương trên mặt, tay, mất máu nhẹ. “Phần tai đứt rời của nạn nhân cũng được mang theo. Sau khi thăm khám, các bác sĩ quyết định mổ vi phẫu nối tai cho nạn nhân”, BS Hà nói.
Không như các kỹ thuật vi phẫu nối tay, chân đứt rời khác, nối tai bằng kỹ thuật vi phẫu là một kỹ thuật rất khó vì cấu trúc giải phẫu da và sụn tai mỏng, các mạch máu tới đây đã là nhánh tận cùng nên rất nhỏ, rất khó nối.Do đó, một kíp bác sĩ đã phải dùng kính hiển vi phẫu thuật, soi tìm mạch máu nào có thể nối được ở phần tai bị đứt. Kíp thứ hai phẫu tích và tìm mạch máu tại vùng gốc tai và thái dương bệnh nhân quanh chỗ tai, rồi đưa tai đứt rời ghép nối với cơ thể. Sau hơn 7 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật vi phẫu nối cái tai đứt lìa của bệnh nhân này mới được hoàn thành.
Điều lo ngại nhất của các bác sĩ sau mổ là phần mạch máu vừa nối xong bị tắc trở lại vì lòng mạch ở đây quá hẹp. Rất may mắn, sau 2 ngày nối tai, dù tai bệnh nhân hơi đỏ, tím, nhưng chưa phải chích máu. Hiện nay, sau một tuần phẫu thuật, tai chỉ đỏ hơn bình thường một chút, các mạch máu nuôi tốt, có sự lưu thông máu lên và xuống, tai đã “sống lại”.
BS Hà cho biết, dự kiện trong vòng 4-5 ngày nữa bệnh nhân có thể xuất viện nếu tình hình ổn. Đây là lần đầu tiên bệnh viện Việt Đức nối tai cho bệnh nhân. Còn trên thế giới đến nay mới có gần 30 ca nối tai được thông báo, tuy nhiên trong đó có tới 70-80% bị tắc tĩnh mạch hoặc ứ máu sau mổ phải chích máu để máu ứ tự nhiên trong nhiều ngày mới hết tắc tĩnh mạch.
Tú Anh