1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Huế:

Lần đầu tiên chữa bệnh động kinh bằng... phẫu thuật

(Dân trí) - Ngày 25/11 tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết lần đầu tiên bệnh viện thực hiện phương pháp phẫu thuật, điều trị thành công cho bệnh nhân bị động kinh.

Bệnh nhân là anh Lê Hậu (21 tuổi, trú thị trấn A Lưới, huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị mắc chứng động kinh thái dương 2 năm nay. Anh Hậu nhập viện ngày 12/11 trong tình trạng toàn thân thường xuyên bị co giật (từ 1 - 3 lần/ngày).

Sau khi xác định nguyên nhân là vùng thùy thái dương bên phải não bị xơ hóa nên đã phát ra các sóng điện não gây động kinh, các bác sĩ của Khoa Ngoại tiết niệu - Thần kinh tại Bệnh viện Đại học Y Dược Huế đã quyết định phẫu thuật do không thể chữa trị bằng thuốc được nữa.

Đến ngày 17/11, ê-kíp phẫu thuật do ThS.BS. Trương Văn Trí, phẫu thuật viên thần kinh sọ não trực tiếp tiến hành ca phẫu thuật, đã tiến hành ca mổ kéo dài 7 tiếng. Phần thùy thái dương bên phải kích thước 4x4cm của bệnh nhân Hậu đã được cắt bỏ.

Theo dõi sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có sức khỏe hồi phục tốt, đặc biệt không còn lên cơn động kinh.

Trong ngày 24/11 bệnh nhân được xuất viện về nhà.

Được biết, phương pháp phẫu thuật điều trị động kinh này lần đầu tiên được thực hiện ở Huế nói chung và Bệnh viện Đại học Y Dược Huế nói riêng. Ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, phương pháp này đã thực hiện.

BS. Trương Văn Trí và bệnh nhân Lê Hậu được chữa khỏi bệnh động kinh bằng phẫu thuật (ảnh: L.P)
BS. Trương Văn Trí và bệnh nhân Lê Hậu được chữa khỏi bệnh động kinh bằng phẫu thuật (ảnh: L.P)

Theo ThS. BS. Trương Văn Trí, khoảng 30% bệnh nhân bị động kinh không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, tức là dùng thuốc nhưng vẫn lên cơn động kinh. Còn phẫu thuật có thể giúp họ khỏi bệnh, hết lên cơn động kinh.

Để quyết định phẫu thuật hay không, bệnh nhân sẽ phải làm các xét nghiệm cơ bản như đo điện não đồ, chụp MRI sọ não... để xác định khu vực gây động kinh ở vỏ não. Trong một số trường hợp khó xác định ổ động kinh, cần làm thêm các xét nghiệm cao cấp như PET scan, SPECT, đo điện não đồ trong sọ… các phương pháp này hiện tại ở Việt Nam chưa có điều kiện để thực hiện một cách thường quy.

Khi đó, phẫu thuật viên sẽ tiến hành mổ lấy bỏ khu vực vỏ não có ổ động kinh hoặc mổ để cắt bỏ đường dẫn truyền sóng động kinh, phương pháp này sẽ giúp bệnh nhân hết động kinh hoặc số cơn động kinh sẽ giảm.

“Nếu phẫu thuật thành công, người bệnh không còn động kinh sẽ có cơ hội có một cuộc sống bình thường, trẻ em có thể tiếp tục học tập, người lớn có thể đi làm… không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội”, BS Trí nói.

Đại Dương