Làn da có thể "tái sinh"?
Nếu có các cô gái quan niệm "chỉ cần rửa mặt với xà bông là đủ" thì cũng có những chị em hầu như tuần nào cũng lui tới thẩm mỹ viện. Họ bị thuyết phục bởi hiệu quả "thần kỳ" của các liệu pháp ở đó nhưng cũng có những tác dụng ngoài ý muốn.
Không lạm dụng các liệu pháp
Các chuyên gia thẩm mỹ thường khiến ta nghĩ rằng da mặt cần phải chăm sóc thường xuyên. Một vài chị em còn được khuyên rằng nên áp dụng hàng tuần mọi biện pháp trị liệu: từ căng da bằng tần số sóng vô tuyến đến lột da mặt.
Bốn tháng trước, chị M. Uyên bắt đầu "hành trình làm đẹp". Cứ mỗi tháng chị lại đi lột da mặt và tẩy tế bào chết. Thế rồi, nhiều tuần trôi qua, chị nhận thấy mặt mình xuất hiện nhiều mụn đỏ và quan trọng là chúng không chịu biến mất. Hơn nữa, da mặt chị còn bị ngứa.
"Trước đây da tôi không quá nhạy cảm thế này, nhưng sau các lần "lột" xong, tôi cảm thấy mặt mình rất dễ bị ngứa và đỏ khi ở trong khu vực bụi bặm hay khi môi trường thay đổi", chị Uyên nói vẻ tiếc nuối.
Nâng niu da mặt
Da, đặc biệt là phần mặt, rất mỏng manh. Chỉ cần dùng tay bẩn chạm vào hay không chịu tẩy trang cũng có thể gây ra "đại hoạ". Tương tự, o bế da quá mức bằng mỹ phẩm cũng gây ra nhiều tác hại hơn là hiệu quả.
Điều này giải thích vì sao các bác sĩ da liễu cho rằng trị liệu quá liều bằng các phương pháp như siêu mài mòn, ánh sáng xung động mạnh (IPL) hay tẩy da có thể khiến da trở nên nhạy cảm, dễ kích ứng.
Nếu gặp những vấn đề về da, tốt nhất bạn nên đem theo những loại mỹ phẩm mình đang sử dụng để các bác sĩ có thể xác định "thủ phạm" chính.
Lột da mặt có làm da mỏng đi?
Nếu lột da đúng cách, nó sẽ kích thích sự sản sinh collagen và làm da dày lên. Chỉ có lớp hạ bì làm da bị tối là bị lột đi thôi. Trong khi lớp da chết phía trên mỏng đi thì lớp bên dưới vẫn như cũ. Tuy nhiên, lột nhiều lần sẽ phá huỷ lớp bảo vệ và khiến da dễ bị kích ứng như sưng tấy, ngứa ngáy và đỏ ửng. Nếu bạn "mê lột" thì da sẽ dày hơn, cứng hơn và bị nhiễm trùng.
Theo Hiền Phan
Sài Gòn tiếp thị