Làm thế nào để đăng kí hiến tạng?

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng tải bài viết "Một câu chuyện khác đằng sau 2 ca ghép tạng đặc biệt nhờ trái tim, lá gan vượt 1.700km", rất nhiều độc giả của Dân trí đã liên lạc đến tòa soạn, bày tỏ nguyện vọng, mong muốn được hiến tạng để giúp đỡ các bệnh nhân khác nếu không may họ có các vấn đề rủi ro về sức khỏe gây chết não.

 

gheptim-1441847214338

Bệnh nhân này đã hồi sinh diệu kỳ từ trái tim của một người khác. Ảnh: N.T

 

Dưới đây là các thủ tục rất đơn giản để bất cứ công dân Việt Nam nào từ 18 tuổi trở lên đều có thể đăng kí hiến tạng.

Tại Hà Nội:

Người có nguyện vọng hiến tạng có thể đến Trung tâm điều phối quốc gia về ghép Bộ phận cơ thể người trực thuộc Bộ Y tế được đặt tại BV Việt Đức (số 40 Tràng Thi, Hà Nội).

Theo đó, mọi người đăng kí hiến tạng đến phòng 230, Trung tâm ghép tạng nhà C2, khu khám bệnh, BV Việt Đức. Tại đây luôn có nhân viên trực từ 7h30 sáng đến 16h30 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Người có nhu cầu hiến tạng sẽ được nhân viên y tế tư vấn, phát đơn điền thông tin cá nhân theo mẫu và sau khoảng 5 phút đã có thể nhận một thẻ cứng trong đó ghi đầy đủ thông tin cá nhân về đăng kí hiến tạng.

Người ở xa có thể viết email đến địa chỉ hòm thư daottgt@gmail.com, đường dây nóng 0919213508 để được hướng dẫn, gửi mẫu đơn đăng kí qua email.

Sau khi nhận đơn này, người có nhu cầu hiến tạng in ra giấy, điền đầy đủ thông tin, chữ ký rồi gửi qua bưu điện đến địa chỉ trên.

Sau khi nhận được đơn, với các thông tin đúng theo quy định Trung tâm sẽ cấp thẻ cứng và chuyển qua bưu điện đến người đăng kí hiến tạng.

Theo đại diện Trung tâm, hiện nay Trung tâm đã tiếp nhận gần 1.000 đơn đăng kí hiến tạng của người dân.

Tại TP Hồ Chí Minh:

Người có nhu cầu hiến tạng có thể đăng ký tại đơn vị điều phối hiến ghép mô tạng tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Cách 1: Đăng ký qua email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com để nhận mẫu đơn xin hiến tạng và hướng dẫn cụ thể. Sau đó, đơn vị sẽ in thẻ hiến tạng và gửi đến địa chỉ của người hiến tạng.

Cách 2: Người hiến tạng đến đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy để được đăng ký và nhận ngay thẻ hiến tạng. Liên hệ số điện thoại 08.39560139, hoặc số điện thoại nóng 24/24 giờ: TS Dư Thị Ngọc Thu, ĐT: 0913677016.

Tại miền Trung:

Người có nhu cầu hiến tạng có thể liên lạc với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết, với các bước đơn giản như Hà Nội, TP Hồ chí Minh.

Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép Bộ phận cơ thể người, tại Việt Nam, kỹ thuật ghép tạng đã sánh ngang với các nước có nền y tế phát triển. Tuy nhiên, ghép tạng ở Việt Nam còn rất hạn chế bởi khan hiếm nguồn tạng hiến. Trong khi ở các nước trên thế giới, có tới 90% ca ghép tạng là lấy tạng từ người chết não, chỉ 10% từ người cho sống thì ở Việt Nam, con số người chết não hiến tạng vẫn rất ít ỏi. Ví như tại BV Việt Đức trong năm 2010 có hơn 1.000 trường hợp chết não nhưng chỉ có 4 trường hợp hiến tạng.

 

gsson-1441847218572
Theo GS Sơn, nếu chỉ 1/4 số người chết não hiến tạng sẽ có rất nhiều bệnh nhân suy tạng được cứu sống. Ảnh: H.Hải

 

“Tại BV Việt Đức, trung bình mỗi ngày có 2- 3 trường hợp chết não, trên cả nước có hàng nghìn trường hợp chết não mỗi năm. Thế nhưng trong 5 năm qua, BV Việt Đức mới vận động được 26 người chết não cho tạng để cứu 11 bệnh nhân suy tim, 22 người suy gan và 50 người suy thận. Trong khi đó, danh sách chờ ghép tạng là hàng dài với hàng nghìn người, trong đó rất nhiều trường hợp suy tạng giai đoạn cuối không thể chờ đợi đã từ giã cõi đời; rồi lại thêm nhiều danh sách những người cần ghép tạng mới.

Nếu mỗi năm, chỉ khoảng ¼ số người chết não hiến tạng thì không biết bao nhiêu con người được cứu sống. Bởi một người chết não hiến tạng về lý thuyết sẽ cứu được rất nhiều người, như: ghép tim cứu một bệnh nhân suy tim; ghép gan cho 2 bệnh nhân gan (ở trẻ em, 1 lá gan người lớn hiến còn có thể cắt đôi, ghép cho 2 trẻ); ghép thận cho 2 bệnh nhân, ghép giác mạc, ghép phổi... và trên thực tế, hầu hết một trường hợp hiến tạng đều được sử dụng hiệu quả các tạng để cứu cho bệnh nhân”, GS Sơn nói.

Như ca hiến tạng mới đây tại BV Chợ Rẫy, trái tim, lá gan đã vượt hành trình 1.700km ra Hà Nội cứu sống một người suy tim, một người ung thư gan giai đoạn cuối. Còn 2 quả thận tại BV Chợ Rẫy cũng đã tiến hành ghép thận cứu sống 2 người bệnh suy thận mãn.

Theo các bác sĩ, nỗi đau của một gia đình không may mất đi người thân vì tai nạn lao động, tai nạn giao thông… là nỗi đau rất lớn. Nỗi đau của những người suy tạng mòn mỏi chờ chết cũng như dao cứa vào tim.

Các bác sĩ mong muốn tất cả mọi người hãy biến đau thương thành hành động. Một người thân không may mất đi nhưng trái tim họ, lá gan của họ vẫn sống trong một cơ thể khác, mang lại một cuộc sống mới hồi sinh cho những người còn cơ hội sống.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm