1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Làm rõ tình trạng có chất kích nạc trong thịt lợn

(Dân trí) - Chiều ngày 13/3, Lãnh đạo Cục chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ việc vừa phát hiện có chất cấm để kích thích nạc trong thịt lợn (thịt heo) bán ra thị trường thời gian gần đây gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Ngay sau cuộc họp về dịch bệnh trên gia súc, gia cầm do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Hà Nội vào chiều ngày 13/3, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đã khuyến cáo người tiêu dùng không nên quá hoang mang về việc phát hiện có chất cấm để kích nạc trong thịt lợn bán trên thị trường hiện nay.

Lãnh đạo Cục chăn nuôi cũng cho biết, vừa qua các đơn vị chức năng đã phát hiện một số đại lý bán thuộc thú y, cơ sở chăn nuôi lợn có sử dụng một số chất trong diện cấm sử dụng để thực hiện việc kích thích tỷ lệ nạc trong thịt lợn 

Theo ông Sơn thì việc sử dụng hóa chất cấm để chăn nuôi đã gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Đồng thời, vì tình trạng đó còn gây ra hậu quả là thịt heo hiện nay bắt đầu giảm giá tới 10-15% so với hồi trước tết và sau tết, do người dân lo ngại về chất lượng của thịt lợn. 

Làm rõ tình trạng có chất kích nạc trong thịt lợn
Người tiêu dùng đang hoang mang với thông tin có chất cấm sử dụng để kích thích nạc trong thịt lợn.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra và công bố vừa rồi của các cơ quan chuyên môn chỉ là dừng lại ở một số ít mẫu thịt được thu thập để kiểm tra, nên chưa thể kết luận là có tới 30-40% thịt lợn bị nhiễm các chất tăng trọng, tăng nạc được, hiện các cơ quan chuyên môn của Cục Chăn nuôi, Cục Thú y vẫn đang khẩn trương tổ chức lấy mẫu. Dự kiến khoảng cuối tháng này sẽ có kết quả công bố chính xác tỷ lệ chất cấm được sử dụng trên đàn lợn hiện nay. 

Trước đó, vào năm 2010, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư 54 quy định chi tiết về kiểm tra các chất tồn dư trong các sản phẩm chăn nuôi, trong đó có 3 chất đặc biệt cấm là Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol. Đây là những chất tạo nạc, yêu cầu không được dùng để chăn nuôi. Mặc dù một số nước như Mỹ vẫn cho sử dụng, nhưng hiện tại thì ở Việt Nam đang cấm sử dụng vì nó thuộc nhóm gây ra độc hại khi sử dụng sản phẩm thịt có nhiễm các chất kích nạc. 

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng mới phát hiện được, song ở tỷ lệ nhỏ và tập trung ở phía Nam, còn phía Bắc thì chưa phát hiện thấy.

Làm rõ tình trạng có chất kích nạc trong thịt lợn
Cục Chăn nuôi đang ráo riết vào cuộc làm rõ để xử lý các cơ sở vi phạm khi sử dụng chất cấm để kích thích nạc thịt lợn tại Việt Nam.

Lãnh đạo Cục chăn nuôi bước đầu khẳng định, tỷ lệ nhiễm chủ yếu ở một số cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ mà họ sử dụng trực tiếp chất cấm, còn các cơ sở chăn nuôi lớn thì qua kiểm tra, không hề có chất cấm như Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol. Ngay cả các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chúng tôi kiểm tra cũng không hề có chất cấm kể trên. Cũng có thông tin cho rằng, sở dĩ có các chất cấm trong heo là do các thương lái đã yêu cầu người nuôi sử dụng để tăng lượng nạc. 

Để làm rõ hơn sự việc nhằm bảo đảm quyền lợi và sức khỏe cho người dân, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y và Cục Chăn nuôi tiếp tục đi kiểm tra, điều tra lấy các mẫu thịt để đánh giá một cách chính xác hơn, nhằm giúp cho người tiêu dùng biết tỷ lệ nhiễm chất cấm và tổ chức xử lý các điểm vi phạm.           

Cùng đó, trong thời gian tới đây, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương sẽ kết hợp kiểm tra quyết liệt hơn, xử lý triệt để tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo. 

Quan sát bằng mắt thường thì người tiêu dùng sẽ rất khó phát hiện. Theo Cục chăn nuôi thì không phải cứ tất cả thịt heo mà có nạc nhiều là có các chất kích nạc kể trên, vì hiện nay chúng ta đã có những giống lợn nuôi có năng suất cao, tỷ lệ nạc lên tới 64%. Nhưng theo lời khuyên của Cục chăn nuôi bằng kinh nghiệm thì những loại thịt có sử dụng chất cấm này sẽ có màu hơi khách thường, hơi đỏ.

            

Thế Cường