“Làm mới” đề án 1816, phát huy đề án bệnh viện vệ tinh
(Dân trí) - Nhiều năm qua, Bộ Y tế đã cố gắng xoay xở và thực hiện không ít giải pháp như đề án 1816 đưa bác sĩ tuyến trên về “cầm tay chỉ việc” cho bác sĩ tuyến cơ sở, đề án bệnh viện vệ tinh, nhưng tình trạng quá tải đang ngày một rối thêm.
Nhiều năm qua, Bộ Y tế đã cố gắng xoay xở và thực hiện không ít giải pháp như đề án 1816 đưa bác sĩ tuyến trên về “cầm tay chỉ việc” cho bác sĩ tuyến cơ sở, đề án bệnh viện vệ tinh, nhưng tình trạng quá tải đang ngày một rối thêm. Theo phân tích của một số chuyên gia trong ngành y, đề án 1816 là chủ trương đúng, tuy nhiên mặt hạn chế của nó là sự thiếu đồng bộ giữa kỹ thuật hiện đại được chuyển giao và cơ sở vật chất lạc hậu của y tế cơ sở khiến bác sĩ dù nắm được kỹ thuật nhưng không đủ điều kiện thực hành.
Đã có giai đoạn, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM tính đến giải pháp mang theo cả trang thiết bị về tuyến cơ sở để nâng cao hiệu quả của đề án 1816. Tuy nhiên, hướng đi này không thực thi được vì quá tải bệnh nhân trên thực cũng khiến trang thiết bị của bệnh viện lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Hiện nay, đề án bệnh viện vệ tinh đang dần phát huy tính hiệu quả khi từng bước giảm được tình trạng chuyển viện lên bệnh viện hạt nhân song vẫn chưa thể ngăn chặn được bệnh nhân vượt tuyến.
Trong Hội thảo triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đề án giảm quá tải bệnh viện tổ chức tại TPHCM ngày 25/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Quá tải bệnh viện đang là vấn đề nan giải đối với ngành y tế. Giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương cũng đồng nghĩa với việc tăng tải cho bệnh viện tuyến cơ sở. Bộ Y tế sẽ tập trung giải quyết tình trạng quá tải ở 5 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại – chấn thương, tim mạch, sản và nhi.”
Theo bà Bộ trưởng, để thực hiện được nhiệm vụ trên, trước mắt Bộ Y tế sẽ triển khai tăng nặng lực cho tuyến dưới theo đề án 1816 và bệnh viện vệ tinh. Với đề án 1816 Bộ Y tế sẽ thay đổi cho phù hợp, nếu trước đây cán bộ tuyến trên về cơ sở có nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật theo thời gian và số giường bệnh phải đi thì đến nay sẽ thay đổi bằng việc hoàn thành các gói dịch vụ cần chuyển giao.
Trong đề án bệnh viện vệ tinh, hạt nhân sẽ là bệnh viện của trung ương và bệnh viện của thành phố, vệ tinh là những bệnh viện tuyến tỉnh. UBND các tỉnh phải cam kết hỗ trợ cơ sở vật chất. Sau thời gian chuyển giao các bệnh viện vệ tinh phải thực hiện được tất cả các dịch vụ kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ bước đầu xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại TPHCM, Hà Nội và một số tỉnh thành khác; tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế, đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng, tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng bệnh viện…
Trong đề án giảm tải bệnh viện Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép Bộ Y tế đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng các bệnh viện thuộc phạm vi đề án, đến năm 2015 tăng tối thiểu 7.150 giường bệnh.
Dù Đề án đã được phê duyệt nhưng bên lề Hội nghị triển khai nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế đang quan ngại về khả năng thực thi. Trên thực tế, quỹ đất tại các bệnh viện tuyến cuối còn rất hạn chế, việc đầu tư xây dựng mới hoặc xây dựng cơ sở 2 ở một số bệnh viện tại TPHCM như dự án xây mới bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, xây dựng cơ sở 2 của bệnh viện Ung Bướu, bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình nhiều năm qua vấn chưa thực hiện được. Nhiều ý kiến khác băn khoăn vì cho rằng một số tỉnh chưa sẵn sàng bỏ vốn để tham gia vào đề án bệnh viện vệ tinh của ngành y tế.
Vân Sơn