1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Làm hại con vì tẩm bổ yến sào, nhung hươu, sữa ong chúa

Nhiều cha mẹ có con chậm tăng cân, còi cọc cho ăn thật nhiều thịt, cá, phô mai, sữa đắt tiền, thậm chí còn tìm đủ thứ đắt tiền, quý hiếm như yến sào, nhung hươu, sữa ong chúa... tẩm bổ cho con. Tác dụng đâu không thấy, nhiều trẻ sau một thời gian tẩm bổ thì bị béo phì, hoặc táo bón, hoặc vẫn còi nguyên.

Yến sào

Nhiều cha mẹ rỉ tai nhau cho con ăn yến sào tốt cho sức khỏe, kích thích ăn uống liền mua về cho con ăn liên tục trong thời gian dài.

Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lạm dụng món này. Chỉ có thể dùng yến cho trẻ từ 1 tuổi trở đi và chỉ hạn chế dùng khoảng 70ml/ngày, xen kẽ với các bữa ăn có các nhóm thực phẩm khác.

Vì trong thành phần của yến tỷ lệ đạm rất cao, trên 30%, có loại tỷ lệ này lên đến 40-50%, ngoài ra còn có các chất dinh dưỡng khác. Trong khi cơ thể của trẻ qua từng giai đoạn phát triển, từng lứa tuổi thì nhu cầu về các chất dinh dưỡng chỉ ở một mức độ nhất định.

Yến chỉ có thể dùng cho trẻ từ 1 tuổi trở lên.
Yến chỉ có thể dùng cho trẻ từ 1 tuổi trở lên.

Với tỷ lệ đạm ở yến cao như vậy, nếu các bà mẹ cho con ăn nhiều quá, thậm chí ăn thay cả các bữa ăn khác, sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hoá, thiếu chất do chế độ ăn không cân bằng.

Thực tế đã xảy ra tình trạng khi các bà mẹ cho con ăn yến nhiều dẫn đến tiêu chảy. Có bé được mẹ cho uống nước yến, nhưng vì trong nước yến có thể có tỷ lệ đạm cao nhưng cùng với nó là tỷ lệ đường cao, cộng với việc cho con uống trước bữa ăn khiến trẻ biếng ăn.

Nhân sâm

Cũng thuộc hàng bổ, quý, hiếm, nên trong công cuộc tìm kiếm những món tẩm bổ cho con, không ít các phụ huynh đã nghĩ đến nhân sâm. Tuy nhiên, nhân sâm không được dùng cho trẻ nhỏ nếu không có hướng dẫn của bác sĩ.

Quan niệm “nhân sâm là loại thuốc bổ, quý, dùng càng nhiều càng tốt…” không hề đúng. Nếu dùng nhân sâm không đúng cách sẽ mất tác dụng bổ dưỡng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng, thậm chí, nguy hiểm tới tính mạng.

Nhân sâm.
Nhân sâm.

Theo các bác sĩ, với những trẻ em đang bị lao, hen phế quản, ho ra máu hoặc trẻ dưới 13 tuổi không nên dùng nhân sâm. Vì, trẻ nhỏ cơ thể đang trong giai đoạn phát triển, việc lạm dụng nhân sâm có thể khiến cơ thể “lười”, không tiết ra các kháng thể bảo vệ, hết sâm sẽ sinh ra bệnh.

Hơn nữa, sử dụng nhân sâm bừa bãi, kéo dài sẽ hạn chế sự phát triển của trẻ, làm trẻ không phát triển cân nặng, chiều cao. Đã có nhiều trường hợp cha mẹ phải đưa trẻ đi gặp bác sĩ chỉ vì tùy tiện cho trẻ uống nhân sâm, gây tác dụng ngược cho trẻ.

Nhung hươu, nai

Có ông bố, bà mẹ được mách nhung hươu có thể chữa trẻ em chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng liền tìm cách mua về cho con uống. Nhưng cuối cùng lại chỉ thấy tác hại: trẻ bị táo bón, hoặc dị ứng, lở ngứa.

Nhung hươu, nai là sừng non của hươu hoặc nai đực. Theo Tây y, nhung hươu giúp tăng sức mạnh cơ bắp, sảng khoái tinh thần, vết thương mau lành, ăn ngủ tốt, lợi niệu và tăng nhu động dạ dày - ruột, chuyển hóa tốt protid và glucid... Liều mạnh gây hạ huyết áp, làm tim co bóp mạnh, đập nhanh, giật cơ, co giật hay đông huyết

Nhung hươu nai tuy bổ nhưng không phải ai cũng dùng được.
Nhung hươu nai tuy bổ nhưng không phải ai cũng dùng được.

Theo y học cổ truyền, nhung hươu có vị ngọt, mặn, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, trợ dương, ích khí, cường tinh, chữa suy nhược thần kinh, yếu sinh lý, liệt dương, đau lưng, mồ hôi trộm... Thuốc thường được dùng dưới dạng bột, viên hay ngâm rượu.

Nhung hươu nai tuy bổ nhưng không phải ai cũng dùng được. Khi dùng phải có chỉ định liều lượng của bác sĩ. Những người không được dùng là: người gầy, trong mình nóng, thiếu máu hay mất máu nhưng nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường, viêm phế quản, khạc đờm vàng, sốt, bệnh truyền nhiễm. Không dùng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ em.

Cao ngựa

Theo các chuyên gia ở Viện Dược liệu, xương ngựa có chứa canxi photphat, keratin, oscein… có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bỗ dưỡng, ích khí, mạnh gân xương cơ.

Nhung hươu nai tuy bổ nhưng không phải ai cũng dùng được.

Xương ngựa (thường dùng ngựa bạch) được nấu thành cao để chữa cơ thể suy nhược ở người mới ốm dậy và phụ nữ sau sinh, đau nhức gân xương, kinh nguyệt không đều, trẻ em còi xương, xanh xao, biếng ăn, rất tốt cho người cao tuổi.

Tuy thế, không phải mọi trẻ em đều có thể dùng và dùng bao nhiêu cũng được. Tốt nhất, cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng cao ngựa bồi bổ cho con.

Sữa ong chúa

Đối với những trẻ dưới 13 tuổi thì không nên cho bé dùng sữa ong chúa. Sữa ong chúa giúp cân bằng hormone nữ, tăng cường sinh lý nam và chữa bệnh hiếm muộn ở nam giới, tăng khả năng sinh lý (sex), hạ huyết áp… Chính vì thế nên khi cho trẻ còn nhỏ tuổi dùng sữa ong chúa, bé sẽ rất dễ phát triển sớm về vấn đề sinh lý, phát dục sớm và đặc biệt ảnh hưởng đến tâm sinh lý sau này.

Nên khi bạn đang có ý định cho bé dùng sữa ong chúa, bạn hãy cho bé đi khám về mức độ nặng nhẹ của bệnh suy dinh dưỡng, biếng ăn - còi cọc và cho bé sử dụng sữa ong chúa theo tư vấn của các bác sĩ.

Nhung hươu nai tuy bổ nhưng không phải ai cũng dùng được.

Theo chuyên gia, việc cho ăn quá nhiều đạm, hoặc các món quý hiếm không đúng cách sẽ không có lợi như nhiều bậc phụ huynh nghĩ, mà đó sẽ là điều tai hại cho sức khỏe của bé.

Để cân bằng dinh dưỡng cho bé, cha mẹ cần chế biến món ăn phù hợp với bé, phải đảm bảo bữa ăn của bé luôn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm là chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm...), chất béo (dầu, mỡ), chất bột đường (bột, gạo), vitamin và khoáng chất (rau xanh, củ). Tránh chỉ chú trọng tới chất béo, chất đạm mà bỏ qua những chất khác. Nếu ăn quá nhiều chất này mà thiếu chất kia thì bé cũng không thể tiêu hóa và hấp thu tốt được.

Nhiều mẹ mong muốn cho con béo bằng cách cho con ăn uống thêm thuốc bổ, thuốc thèm ăn, dùng các món bổ, quý để kích thích ăn uống. Tuy nhiên, không nên sử dụng bất cứ loại thuốc bổ nào mà không có sự chỉ định, tư vấn của các bác sĩ vì uống quá nhiều các loại thuốc này có thể dẫn đến thừa vitamin, gây ngộ độc và rất nguy hiểm.

Theo Hà Anh

Vietnamnet