Làm gì nếu bị mất ngủ sau khi khỏi Covid-19?

Minh Nhật

(Dân trí) - Khi bị nhiễm virus gây bệnh Covid-19, không chỉ sức khỏe tổng thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà sau khi điều trị khỏi bệnh còn rất nhiều di chứng để lại.

Bị mất ngủ sau khi khỏi Covid-19 chính là một ví dụ điển hình. Vậy điều trị mất ngủ sau Covid-19 như thế nào?

Nguyên nhân bị mất ngủ sau khi khỏi Covid-19

Khi được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 thì nhiều cơ quan trong cơ thể sẽ gặp phải tình trạng nhiễm trùng. Sau quá trình điều trị và có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng những tác hại và độc tố mà virus để lại vẫn còn xuất hiện ở một số bộ phận trên cơ thể như cơ quan nội tạng, khớp, hệ thần kinh, da…. Sau khi khỏi bệnh từ 2 - 4 tuần, những độc tố còn sót lại sẽ khiến các cơ quan bị suy giảm chức năng và đó được gọi di chứng hậu Covid-19.

Làm gì nếu bị mất ngủ sau khi khỏi Covid-19? - 1

Khi bệnh nhân nhiễm Covid-19, phổi và các cơ quan lân cận khó tránh bị virus tấn công. Chính vì thế, sự tổn thương càng nặng thì các vấn đề của hệ hô hấp càng nghiêm trọng. Khi một cơ quan tổn thương thì hệ thần kinh sẽ nhận thông tin và phát tín hiệu thông báo. Từ đó, ảnh hưởng đến tâm lý và xuất hiện tình trạng rối loạn giấc ngủ.

Đặc biệt là biến thể mới Omicron với tốc độ lây lan nhanh và ít biểu hiện. Người nhiễm biến chủng này thường bị ho, đau nhức đầu, khó thở, khiến tâm lý căng thẳng. Vì thế nhiễm Omicron sẽ làm tăng nguy cơ bị mất ngủ sau khi khỏi Covid-19.

Y học chứng minh, giấc ngủ là thời gian giúp cơ thể nghỉ ngơi. Khi con người ngủ sâu các cơ quan mới có thể đào thải độc tố giúp cân bằng trạng thái. Trung bình người trưởng thành cần ngủ ít nhất 6 giờ/ ngày. Khi khỏi bệnh nếu bạn có giấc ngủ ít hơn thì nên chú ý để xác định nguyên nhân có phải là do hậu Covid-19 hay không.

Làm thế nào để giải quyết tình trạng mất ngủ hậu Covid-19

Bệnh nhân sau điều trị khỏi bệnh vẫn còn có thể tiếp tục tình trạng viêm ở hệ thần kinh do sự tấn công từ virus. Các chứng rối loạn khác tác động lên mạch máu gây tổn thương cũng khiến cho cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng. Bị viêm hệ thần kinh cùng tổn thương mạch máu, sau đó có tâm lý luôn căng thẳng nên triệu chứng mất ngủ sau Covid-19 khá phổ biến. 

Sau khi được kết luận khỏi bệnh và tái hòa nhập cộng đồng, người bệnh sẽ mất khoảng vài tuần để làm quen lại nhịp sinh hoạt thường ngày. Bệnh nhân nên đi khám sức khỏe tổng quát để đánh giá sự hồi phục, cũng như kiểm soát di chứng có thể mắc phải.

Các liệu pháp tâm lý để điều trị mất ngủ hậu Covid-19

Tâm lý căng thẳng được xác định là nguyên nhân chính gây ra triệu chứng mất ngủ sau Covid-19. Thêm vào đó, thói quen và hành vi của người bệnh sẽ cần thay đổi, vì môi trường điều trị không giống với môi trường sống hàng ngày. Trước hết bệnh nhân sau khi kết thúc điều trị trở về nhà cần thực hiện những điều sau:

Chọn phòng ngủ có không gian yên tĩnh không bị ánh sáng chiếu quá nhiều. Đồng thời, môi trường khí hậu và nhiệt độ trong phòng cần ổn định để tâm lý thoải mái nhất.

Vật dụng trên giường ngủ như: gối, đệm cần chọn loại thư giãn tốt cho người dễ bị áp lực tâm lý.

Khi quá khó ngủ có thể nghe những tiếng ồn trắng hay nhạc nhẹ để dễ đi vào giấc ngủ.

Cà phê hay trà có thể làm tình trạng mất ngủ nặng hơn, vì vậy trước khi ngủ 8 giờ không nên sử dụng.

Thuốc lá không được khuyến khích sử dụng, vì gây hại cho phổi, đồng thời nicotin trong thành phần thuốc lá cũng khiến thần kinh bị kích thích tạo cảm giác tỉnh táo.

Đồ uống có cồn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe lâu dài và cũng khiến người sử dụng khó ngủ hơn.

Trước giờ đi ngủ không nên ăn no hay thể thao cường độ cao.

Xây dựng đồng hồ sinh học để cân đối thời gian sinh hoạt theo chu kỳ dù là ngày nghỉ.

Giấc ngủ trưa kéo dài sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm. Thông thường buổi trưa không nên ngủ quá một giờ.

Tránh nằm lâu trên giường trừ khi ngủ để cơ thể quen với việc ngủ khi nằm trên giường.

Luyện tập yoga hoặc thiền giúp cơ thể thư giãn và ngủ ngon hơn. 

Kết hợp điều trị mất ngủ hậu Covid-19 bằng thuốc

Thuốc điều trị mất ngủ hậu Covid-19 không cố định một loại. Bác sĩ thường dùng linh hoạt theo từng bệnh nhân để đảm bảo họ nhận được hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, một số loại thuốc không cần kê toa có thể sử dụng cho bệnh nhân mất ngủ hậu Covid-19 như: thuốc ngủ có thành phần từ thảo dược, melatonin, thuốc kháng histamin. 

Đối với thuốc không kê toa, người bệnh vẫn nên nhờ tư vấn từ bác sĩ. Dùng thuốc không theo chỉ định đôi khi sẽ mang lại những tác dụng phụ cho sức khỏe sau này. Thuốc an thần có thể trị mất ngủ nhưng người dùng không biết cách sử dụng sẽ làm thuốc mất đi tác dụng khiến tình trạng nghiêm trọng hơn.

Bị mất ngủ sau khi khỏi Covid-19 có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng phục hồi của các cơ quan khác. Nếu bạn xuất hiện hội chứng này hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị sớm.

Bác sĩ Phan Đình Thủy Tiên

Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Đang được quan tâm