Làm gì để ngừa căn bệnh chết người ung thư dạ dày?
(Dân trí) - Ung thư dạ dày được xếp vào nhóm khó phát hiện sớm. Tỷ lệ bệnh nhân ở Việt Nam được chẩn đoán ở giai đoạn đầu rất hiếm. Ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 10.400 người bệnh được phát hiện.
Theo dự báo số ca ung thư dạ dày được phát hiện tại nước ta sẽ tăng lên khoảng 11.500 ca vào năm 2020. Tại Bệnh viện K, một năm chỉ có khoảng 30 ca được chẩn đoán ở giai đoạn sớm trong số hàng nghìn bệnh nhân. Vì thế, tỷ lệ bệnh nhân sống sau 5 năm chưa cao.
Việc chữa trị cho bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối còn nhiều hạn chế. Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa khẳng định được nguyên nhân trực tiếp của thư dạ dày. Vì thế, đề phòng bệnh là đề phòng các yếu tố nguy cơ.
Điều trị viêm loét dạ dày do khuẩn HP
HP được xem là yếu tố nguy cơ lớn nhất của ung thư dạ dày. Tỷ lệ nhiễm HP ở các nước đang phát triển như Việt Nam tăng dần theo tuổi từ 60 tuổi trở lên có tới 85% dân số nhiễm HP. HP có rất nhiều chủng khác nhau nhưng chủng mang gene CagA có khả năng gây bệnh cao nhất song chúng chiếm tỷ lệ không lớn trong “gia đình” HP. Loại xoắn khuẩn này lây truyền trực tiếp qua đường tiêu hóa bởi thức ăn, tay nhiễm HP nhưng không rửa trước khi ăn.
Theo Webmd, rất may là vi khuẩn này đáp ứng tốt với điều trị bằng kháng sinh. Vì thế nếu bị viêm loét dạ dày do khuẩn HP, bạn hãy kiên nhẫn điều trị. Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn, các loại thuốc khác sẽ giúp chữa lành vết loét trong niêm mạc dạ dày, từ đó giảm nguy cơ mắc ung thư.
Ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn nhiều muối không chỉ gây hại cho tim mạch mà ăn mặn còn làm tan các chất nhầy phủ trên niêm mạc dạ dày làm cho các chất độc, các chất có khả năng gây ung thư có trong thức ăn tiếp xúc trực tiếp với các tế bào niêm mạc gây tổn thương các tế bào đó. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ giảm ung thư dạ dày ở các nước Âu-Mỹ có liên quan đến phương pháp bảo quản thịt từ ướp muối sang tủ lạnh.
Chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều chất xơ, hạn chế thực phẩm chiên rán, lên men, muối… giúp bạn giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Ảnh: Zawya.
Ngoài ra, thói quen ăn thịt rán, thậm chí rán nhiều lần, dùng dầu mỡ đã cháy rán lại cũng rất có hại. Nhiệt độ cao có thể biến các chất không gây ung thư thành các chất gây ung thư, ngay dầu rán và mỡ.
Vì thế, để phòng bệnh bạn hãy duy trì chế độ uống lành mạnh. Hãy ăn nhiều hơn nữa rau và hoa quả trong khẩu phần ăn hằng ngày của bạn. Chúng giàu chất chất xơ và một số vitamin có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư.
Đồng thời hãy tránh những thực phẩm hun khói, mặn, lên men (dưa muối, cà muối)… Chú ý giữ cân nặng ở mức lý tưởng. Béo phì hoặc thừa cần đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bỏ thuốc
Nguy cơ mắc ung thư dạ dày tăng gấp đôi nếu bạn hút thuốc. Hút thuốc chủ động và bị động đều làm tăng khả năng gây ung thư dạ dày và nhiều loại ung thư khác.
Theo dõi việc sử dụng aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steriod
Theo Webmd, nếu bạn uống aspirin hằng ngày để ngừa bệnh tim hoặc uống các thuốc chống viêm không steriod với các bệnh viêm khớp thì hãy kể với bác sĩ về ảnh hưởng của các loại thuốc này với dạ dày của mình.
Người có nguy cơ cao mắc ung thư là tiền sử viêm loét dạ dày, đau vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, nôn hoặc buồn nôn... Vì thế, người dân cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ từ ngoài 40 tuổi, trong đó có tầm soát ung thư. Với ung thư dạ dày, nên định kỳ nội soi dạ dày mỗi năm 1-2 lần, nếu kết quả bình thường thì có thể cách 2 năm nội soi một lần.
Hà An