Làm gì để hạn chế viêm mũi dị ứng?
(Dân trí) - Đối với những người bị viêm mũi dị ứng cuối thu đầu đông có thể là cơn ác mộng. Dưới đây là một số lời khuyên để đối phó với căn bệnh này một cách tự nhiên.
Viêm mũi dị ứng - là gì, khi nào và như thế nào?
Viêm mũi dị ứng là tình trạng dị ứng mũi, thường do các chất gây dị ứng (dị nguyên) như phấn hoa từ cây, cỏ và cỏ dại, mạt bụi, bào tử nấm mốc và lông vật nuôi.
Ở những người có hệ miễn dịch nhạy cảm, đôi khi nó xác định sai một hạt lơ lửng vô hại trong không khí như phấn hoa hoặc bụi là mối đe dọa cho cơ thể.
Hệ miễn dịch sẽ sản sinh immunoglobulin E, một kháng thể tấn công chất này trước khi giải phóng một chất gọi là histamin. Đây là nguyên nhân gây ra những triệu chứng như ngứa mũi, ngứa mắt, hắt hơi, chảy nước mắt nước mũi … của bệnh viêm mũi dị ứng.
Trong khi một số người chỉ bị vào một mùa nhất định, thì những người khác có thể có triệu chứng quanh năm. Phấn hoa từ cây cối và cỏ dại là những tác nhân hay gặp nhất vào những tháng nhất định trong năm, trong khi nấm mốc và bào tử nấm, lại sinh sôi nảy nở trong thời tiết ấm áp.
Mức độ nặng của viêm mũi dị ứng cũng có thể thay đổi theo từng năm, tùy thuộc vào lượng phấn hoa và các yếu tố khác. Khi một người hình thành mẫn cảm dị ứng trong bệnh viêm mũi dị ứng, thì bệnh sẽ diễn ra suốt đời.
6 bước hạn chế viêm mũi dị ứng
Mặc dù chưa có cách chữa khỏi bệnh viêm mũi dị ứng, nhưng có những cách thông minh để giảm thiểu sự khổ sở mà nó gây ra.
Bước 1. Tránh các tình huống kích hoạt triệu chứng
Cố gắng tránh các tình huống khiến bạn có thể phải tiếp xúc với lượng tác nhân gây dị ứng cao. Những lời khuyên sau đây sẽ giúp ích:
- Tìm hiểu về lượng phấn cỏ cây trong ở nơi sinh sống.
- Nếu viêm mũi dị ứng của bạn có xu hướng xảy ra trong những tháng nhất định, hãy cố gắng hạn chế thời gian ở ngoài trời, đặc biệt là vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn.
- Nếu bạn thích ngoài trời, hãy cố gắng ra ngoài ngay sau cơn mưa buổi chiều. Mưa có xu hướng rửa trôi phấn hoa trong không khí.
- Tránh các hoạt động như cắt cỏ và cào lá, tránh xa các khu vực bãi cỏ vào những ngày có lượng phấn hoa cao, và đợi cho đến khi lượng phấn hoa thấp trước khi thực hiện bất kỳ việc làm vườn nào.
- Không phơi quần áo hoặc chăn ga gối ngoài trời khi lượng phấn hoa nhiều.
- Giảm thiểu lượng phấn hoa có thể tích tụ trên người và tóc trong ngày bằng cách tắm và thay quần áo sạch vào buổi tối.
- Loại bỏ phấn hoa và làm dịu mắt bằng cách thường xuyên chớp mắt vào nước lạnh. Dùng mỡ dầu mỏ bôi xung quanh bên trong rìa lỗ mũi giúp ngăn phấn hoa kích thích mũi.
- Nếu bạn đang ở ngoài trời, đeo bảo hộ che kín để bảo vệ mắt khỏi phấn hoa và đội mũ rộng vành. Điều này khiến phấn hoa không bị dính vào tóc và rơi xuống mặt.
Bước 2. Làm sạch không khí trong nhà
Cố gắng giữ khu vực trong nhà không có những tác nhân gây dị ứng. Một cách tốt là lắp bộ lọc không khí trong hệ thống điều hòa không khí và hệ thống sưởi. Các bộ lọc này có thể loại bỏ tới 95% các hạt gây dị ứng từ không khí trong nhà.
Máy hút ẩm rất hữu ích để giảm độ ẩm trong nhà. Cũng giúp nên đóng kín cửa và cửa sổ đóng khi lượng phấn hoa ngoài trời cao.
Bước 3. Giảm thời gian tiếp xúc với thú cưng
Mèo hoặc chó có thể làm cho tình trạng viêm mũi dị ứng tồi tệ hơn. Đó là vì gàu từ lông thú cưng (vảy da chết) có thể gây ra phản ứng dị ứng.
Cố gắng giữ vật nuôi bên ngoài nhà vì điều này sẽ giúp bnaj không bị tiếp xúc với gàu từ vật nuôi, cũng như giảm khả năng vật nuôi mang phấn hoa từ ngoài vào. Nếu đó là ngày có lượng phấn hoa cao, và thú cưng của bạn vào trong nhà, hãy dùng khăn ẩm lâu kỹ lông của chúng hoặc tắm cho chúng mỗi tuần một lần.
Nếu không thể giữ thú cưng ở bên ngoài, hãy dành một chỗ cụ thể trong nhà cho chó hoặc mèo và ngăn không cho chúng vào phòng ngủ hoặc trở lên đồ đạc. Tốt nhất cũng nên loại bỏ tất cả các loại thảm và đệm dễ tích tụ mạt bụi và gàu.
Bước 4. Vệ sinh và dọn dẹp nhà cửa
Vệ sinh hàng tuần là cách rất tốt để loại bỏ mạt bụi và gàu từ lông vật nuôi. Một vài bí quyết:
- Đảm bảo máy hút bụi có bộ lọc tốt và vệ sinh hoặc thay thế thường xuyên.
- Rửa bát đĩa và đổ rác hàng ngày để tránh những côn trùng gây dị ứng như gián.
- Thường xuyên giặt ga trải giường bằng nước nóng thay vì nước lạnh để tiêu diệt mạt bụi.
- Loại bỏ thảm cũ, tấm phủ tường và đồ nội thất bọc đệm, nếu có thể. Mạt bụi nhà thường phát triển mạnh ở đây.
- Giảm những đống lộn xộn dễ tích tụ bụi. Điều này có nghĩa là giữ đồ trang trí và bày biện ở mức tối thiểu.
- Dùng một tấm phủ để phủ giường trong ngày và bỏ ra vào buổi tối khi bạn đi ngủ.
Bước 5. Giảm thiểu nấm mốc
Nếu viêm mũi dị ứng của bạn là do nấm mốc, hãy chắc chắn để giảm thiểu chúng trong nhà. Nấm mốc phát triển mạnh trong các khu vực ẩm ướt trong nhà như phòng tắm và nhà bếp, tạo ra bào tử trong không khí có thể gây dị ứng.
Dùng thuốc tẩy kỳ cọ kỹ toàn bộ vòi tắm, tường và những chỗ ấm áp, ẩm ướt khác. Giữ cho các khu vực này thông thoáng để giảm tiếp xúc với nấm mốc.
Những khu vực ngoài trời nhiều lá khô, cây chết và mùn là nơi sinh sản lý tưởng cho nấm mốc, vì vậy hãy nhờ ai đó dọn dẹp chúng thường xuyên.
Bước 6. Làm mũi dễ chịu hơn
Một số người thấy rằng những loại hoa có mùi thơm hoặc những mùi mạnh khác trong không khí như khói khiến tình trạng viêm mũi dị ứng tồi tệ hơn. Nếu đây là vấn đề của bạn, các bác sĩ khuyên bạn nên cố gắng tránh xa những mùi gây dị ứng này càng nhiều càng tốt.
Ví dụ, khói có thể làm phù nề đường mũi, kích ứng mũi và gây ngạt mũi. Nếu bạn đã bị ngạt mũi, khói sẽ làm tình trạng tồi tệ hơn. Các mùi khác có thể gây ra phản ứng dị ứng bao gồm nước hoa có mùi mạnh, thuốc xịt tóc và chất tẩy rửa gia dụng.
Cẩm Tú
Theo Health24