Lạm dụng thuốc kháng sinh - Đã đến lúc báo động?

(Dân trí) - Tại các nước có nền y tế phát triển, quy trình khám chữa bệnh, kê đơn, cấp phát hay mua bán thuốc trị bệnh được quản lý rất chặt chẽ. Các bác sỹ chỉ kê đơn có thuốc kháng sinh trong trường hợp bất đắc dĩ. Tuy nhiên ở nước ta hiện nay, dường như, việc mua bán và sử dụng thuốc kháng sinh cũng chỉ được xem như một món hàng tiêu dùng hàng ngày vậy.

Một cửa hàng thuốc tại Ba Lan
Một cửa hàng thuốc tại Ba Lan

Trông người lại nghĩ đến ta

Cách đây hơn 2 tháng, mới từ Việt Nam sang, tôi bị viêm họng cấp tính. Sang tới Vác-Sa-Va, việc đầu tiên tôi làm là tới cửa hàng dược phẩm mua thuốc. Các dược sỹ tại đây chỉ bán cho tôi một số chế phẩm bổ phế và mấy viên ngậm Strepsil.

Tôi trình bày với họ rằng sợ những thứ thuốc này không đủ công hiệu và hỏi xem liệu họ có thể bán cho tôi một ít thuốc kháng sinh không. Họ cười bảo “Nhiều người Việt Nam đến đây cũng từng có yêu cầu như vậy”, rồi giải thích rằng chỉ khi có đơn bác sỹ họ mới bán thuốc kháng sinh cho khách hàng.

Thực tế, không phải tôi không biết điều đó, nhưng do chưa về tới Szczecin - nơi tôi đang cư trú để đến phòng khám được. Thêm nữa, thấy xã hội Ba Lan cũng còn có những “góc nhuộm nhoạm” nên mới đánh liều hỏi vậy. Tuy bị từ chối, nhưng trong lòng tôi thấy khâm phục sự nghiêm túc chấp hành quy trình y tế của họ.

Về đến nhà trọ, Nhâm – cậu em quê ở Liên Thành, Yên Thành hỏi tôi “Bạn em, quê ở Hưng Yên mới được gia đình gửi sang cho 200 vỉ Ampicillin, để mai em lấy cho anh một số nhé?”. Tôi ngạc nhiên bởi xưa nay chỉ nghe nói người đi Tây gửi thuốc về Việt Nam chứ chưa nghe chuyện ngược đời như vậy.

Tuy nhiên ngẫm lại, tôi chợt vỡ ra: Những anh em chưa có giấy tờ, không sõi tiếng lại gặp cảnh quản lý thuốc kháng sinh khắt khe ở Tây thì khi ốm đau quả là nan giải. Trong khi đó, tại Viêt Nam, muốn mua các loại kháng sinh hay thuốc đặc trị khác, hầu như bạn chỉ cần ra hiệu thuốc là có. Thậm chí, có thể mua các loại kháng sinh hay thuốc đặc trị mà không cần qua chẩn bệnh hay bất cứ đơn từ, chỉ dẫn nào từ bác sỹ. Do đó, việc mua và gửi thuốc Tây từ Việt Nam sang xem ra lại là giải pháp khả dĩ, lại vừa thể hiện sự quan tâm thiết thực của người thân nơi quê nhà.

Nhớ lại ngày còn ở quê, tôi từng nghe một vài “người bán thuốc” có kinh nghiệm tâm sự rằng bí quyết bán thuốc - trị bệnh của họ chính là “liều tổng hợp” hoặc “liều cao” (cao hơn liều chỉ định) cho người bệnh. Như thế, vừa dễ “trúng” bệnh, có thể nhanh khỏi, lại bán được nhiều thuốc (?!).

Tôi cũng từng chứng kiến rất nhiều trường hợp người bệnh tự mình kê đơn hay mua thêm thuốc uống, hoặc tự động tăng liều lượng thuốc điều trị với “niềm tin” rằng uống “nặng liều” hơn sẽ giúp bệnh chóng khỏi. Mua bán và sử dụng thuốc trị bệnh như vậy thật hết sức tùy tiện!

Mặc dù chưa có thống kê chính thức nhưng nếu có, chắc chắn ngoài những kỷ lục về uống bia rượu, tai nạn giao thông,… thì lượng sử dụng thuốc kháng sinh theo bình quân đầu người của Việt Nam có lẽ cũng đứng vào hàng nhất nhì thế giới.

Những hệ lụy khôn lường

Thuốc kháng sinh là “con dao hai lưỡi”. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh gây ra rất nhiều hệ lụy cho bản thân mỗi người, cũng như ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến cả cộng đồng xã hội.

Trước hết, đó là việc sử dụng sai thuốc trị bệnh, sai liều lượng có thể dẫn đến nguy hại cho sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Từ người bán thuốc thiếu chuyên môn chẩn trị, rồi người dân không đủ hiểu biết cũng tự đoán bệnh cho mình và cho người thân,… dẫn đến nhầm bệnh, sai thuốc,… gây ra không ít cảnh thương tâm. Những vụ việc như: bệnh do vi rút cũng cho uống kháng sinh gây nguy hiểm, bệnh nhẹ uống sai thuốc nên trở thành bệnh nặng, ngộ độc, sốc thuốc tại nhà,…, đã không còn xa lạ ở nước ta.

Thứ đến là sự lờn thuốc của các tác nhân gây bệnh. Các vi khuẩn gây bệnh đều có khả năng “quen dần” với môi trường kháng sinh, nhất là khi ta không dùng thuốc đặc hiệu hoặc dùng thuốc không đúng liều lượng và liệu trình điều trị. Do đó, càng về sau các bệnh do tác nhân vi sinh gây ra lại càng khó điều trị.

Sự lờn thuốc cũng gây suy yếu khả năng miễn dịch trong cộng đồng. Ngày trước, các Cụ chưa dùng kháng sinh mấy nên khi bị bệnh chỉ cần dùng thuốc Xuyên tâm liên cũng đã rất công hiệu. Nhưng ngày nay, loại thuốc này đã gần như vô hiệu. Đó chính là dẫn chứng khá rõ cho sự lờn thuốc trong cộng đồng.

Ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế khi phát biểu tại hội nghị về triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020 cũng đã nhấn mạnh về khía cạnh đáng báo động này. Xét trên diện rộng, việc lạm dụng thuốc kháng sinh cũng gây ra sự lãng phí không hề nhỏ cho xã hội. Một điều nhức nhối khác nữa là tình trạng này không chỉ làm giảm chất lượng chăm sóc y tế cho nhân dân, mà còn vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng rộng đường xâm nhập và hành hoành tạị thị trường dược phẩm nước ta. TS. Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã đưa ra con số về tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở Việt Nam hiện dao động khoảng 3% và thuốc giả dưới 0,02%, nhưng theo tôi thực tế có lẽ vượt xa những con số này.

Vấn đề lạm dụng thuốc kháng sinh ở Việt Nam đã, đang là một thực tế không thể phủ nhận. Đến lúc cần phải thay đổi nhằm tránh tụt hậu, nâng cao chất lượng chăm sóc y tế và tiến tới nâng tầm ngành y tế nước nhà. Thiết nghĩ, đây là điều đáng được quan tâm trước nhất trong hoạch định các chính sách phát triển ngành y tế cộng đồng của nước ta hiện nay.

Nguyễn Thức Tuấn

NCS Ba Lan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm