Làm 6 điều này để có cơ thể “miễn dịch” với ung thư
(Dân trí) - Trên thực tế, có đến 1/3 trường hợp mắc ung thư có thể chủ động phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh.
Chế độ ăn hợp lý
Trước hết, cần chú ý đến lượng thức ăn trong khẩu phần hàng ngày của bạn. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, không nên ăn quá no, bởi ngoài việc tạo gánh nặng lên hệ thống tiêu hóa, thói quen này còn có thể khiến chúng ta đối diện với nhiều loại bệnh lý, trong đó có ung thư.
Một bữa ăn cũng nên được chú trọng về sự đa dạng thành phần, để đảm bảo có thể hấp thu đầy đủ các loại dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển và vận hành các chức năng sống. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên ăn nhiều các loại rau – củ - quả hơn, bởi chúng giúp cung cấp chất xơ, vitamin, đặc biệt là chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do, vốn là nguyên nhân gây lão hóa và các bệnh mạn tính, trong đó có ung thư. Hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều dầu mỡ như đồ chiên, rán, đồ ăn nhanh…, vì chúng có thể dễ dàng khiến bạn bị thừa cân, béo phì, mà đây lại là yếu tố nguy cơ làm tăng rủi ro mắc nhiều loại ung thư.
Giữ thái độ lạc quan
Luôn giữ thái độ lạc quan không chỉ giúp bạn có một tinh thần tốt, mà còn hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật. Nhiều bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng, khi rơi vào cảm xúc tiêu cực, hệ nội tiết của cơ thể sẽ bị rối loạn, dẫn đến việc sản sinh hormone bất thường gây suy giảm hệ miễn dịch. Trong khi đó, đây lại là lớp hàng rào bảo vệ chúng ta khỏi các bệnh tật, trong đó có ung thư. Ngược lại, cảm giác vui vẻ có thể làm tăng số lượng kháng thể và các tế bào miễn dịch trong máu và nước bọt; kích thích các dây thần kinh giao cảm, giảm nồng độ hormone làm tăng sự căng thẳng: adrenaline (loại hormone được cơ thể tiết ra khi sợ hãi, tức giận) nhờ đó xoa dịu cảm giác mệt mỏi.
Thường xuyên tập thể dục, chơi thể thao
Tham gia các hoạt động thể dục, thể thao là một trong những giải pháp tốt nhất để phòng ngừa ung thư. Theo các chuyên gia, thông qua các động tác vận động khác nhau, chức năng tim, phổi sẽ được tăng cường; thúc đẩy tái tạo tế bào và bài tiết độc tốt; tăng cường khối lượng cơ. Sức khỏe tổng thể được nâng cao, hệ miễn dịch được cải thiện sẽ khiến ung thư khó có cơ hội tác oai, tác quái trên cơ thể chúng ta.
Tránh xa thuốc lá và rượu bia
Hút thuốc và sử dụng đồ uống có cồn là yếu tố nguy cơ hàng đầu của nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư phổi và ung thư gan.
Cụ thể, khói thuốc lá tạo ra trong quá trình đốt và rít thuốc sản sinh rất nhiều chất độc hại. Việc đốt cháy tạo ra khói, than, nhựa và hàm lượng các hóa chất gây hại cao, đặc biệt là hắc ín (tar). Khi đốt cháy, khói thuốc lá sinh ra 40.000 độc chất, 4.000 - 7.000 tạp chất, 43 chất cực độc, như Benzen, Ethylen Oxit, Vinyl Chloride, Asen (thạch tín)…tác động trực tiếp đến phổi gây ung thư cũng như tất cả các cơ quan khác. Đáng nói, quá trình đốt cháy nhả khói ra môi trường xung quanh sẽ tác động trực tiếp lên những người hút thuốc lá thụ động, mà đôi khi chính họ còn chịu nhiều tác động nguy hiểm hơn hút trực tiếp.
Đối với đồ uống có cồn, tác hại đến sức khỏe phụ thuộc vào cách thức uống và mức độ uống. Khi vào cơ thể, chất cồn trong rượu bia gây độc cho tế bào, tác động sinh - chuyển hóa lên tế bào, từ đó dẫn đến các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm, điển hình là ung thư. Tại nước ta, ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi trở thành bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Nguyên nhân chính là do xơ gan vì sử dụng rượu bia quá mức.
Đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc
Trong khi ngủ, cơ thể chúng ta sẽ tiến hành sửa chữa lại các tổn thương, cũng như loại thải độc tố từ môi trường hoặc phát sinh từ các quá trình chuyển hóa. Ngoài ra, thường xuyên có giấc ngủ thật chất lượng còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, từ đó cơ thể được bảo vệ tốt hơn trước các bệnh tật, bao gồm cả ung thư.
Lời khuyên của các chuyên gia là hãy đi ngủ, thức giấc đúng giờ; tránh ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử trong ít nhất một giờ trước khi lên giường; ngủ đủ giấc để đảm bảo nhịp sinh học không bị xáo trộn và giúp giấc ngủ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhất.
Minh Nhật
Theo Cancer, Aboluowang