Kỳ lạ "cắt" vành tai tạo hình mũi cho nữ bệnh nhân

(Dân trí) - Nữ bệnh nhân 54 tuổi đến bệnh viện khám bịt khẩu trang kín mít, chỉ khi gặp bác sĩ mới dám cởi bỏ bởi có mũi bị sẹo, gây mất hoàn toàn đầu mũi, trụ mũi. Tình trạng này không chỉ khiến chị tự ti, mặc cảm mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe do phần còn lại của mũi bị co kéo, dính khiến lỗ mũi bị thu hẹp hơn bình thường, ảnh hưởng thông khí, nhất là khi vận động gắng sức.

Ngày 1/4, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BV Xanh Pôn, Hà Nội thông báo thành công ca bệnh đặc biệt hi hữu, tạo hình mũi thành công cho bệnh nhân bằng chính vạt da sụn từ vành tai và da trước tai của người bệnh. Đây là phẫu thuật tái tạo khuyết phức tạp đầu mũi và cánh mũi, chưa thấy công bố trên y văn thế giới.

Trước đó 5 tháng, bệnh nhân đến viện trong tình trạng sẹo mất hoàn toàn đầu mũi và trụ mũi, mất gần hết cánh mũi 2 bên. Sẹo khiến phần còn lại của mũi bị co kéo, dính, khiến lỗ mũi của bệnh nhân bị thu hẹp hơn bình thường, ảnh hưởng đến thông khi qua mũi khi bệnh nhân vận động gắng sức.

Kỳ lạ cắt vành tai tạo hình mũi cho nữ bệnh nhân - 1
Kỳ lạ cắt vành tai tạo hình mũi cho nữ bệnh nhân - 2

Mũi bệnh nhân trước và sau tạo hình mũi.

Khi khám cho bệnh nhân, các bác sĩ đã thảo luận, quyết định phẫu thuật chuyển một phần da và sụn vành tai nối ghép và tái tạo đầu, trụ và cánh mũi. Ca mổ do GS.TS Trân Thiết Sơn, Trưởng khoa và các ekip cùng thực hiện.

TS.BS Phạm Thị Việt Dung, một trong những bác sĩ tham gia phẫu thuật của BV Xanh Pôn cho biết, sau ca mổ 8 tiếng, mũi sẹo của bệnh nhân được tạo hình hơn cả mong đợi.

Trong ca phẫu thuật, do bệnh nhân mất hoàn toàn đầu mũi, cần sử dụng vạt da lớn, GS.TS Trần Thiết Sơn đã lấy thêm vùng da ở phía trước tai để tạo hình cánh mũi bên còn lại.

TS Dung cho biết, trước đây, những bệnh nhân có khiếm khuyết mũi tương tự bệnh nhân này thường phải chấp nhận "sống chung", đem lại nỗi mặc cảm, tự ti lớn.

Hoặc họ có thể được tạo hình khuyết đầu mũi, cánh mũi bằng các vạt da tại chỗ như da ở rãnh mũi má, da ở trán, hoặc các vạt da vi phẫu lấy từ cẳng tay, từ đùi…nhưng kết quả khó như mong đợi do không tạo được đường viền giống như đường viền cánh mũi.

Với phương pháp này, kết quả cho thấy hình dạng mũi trở về gần như bình thường. Các bác sĩ lấy chất liệu tạo hình ở vành tai sao cho vừa khớp với tổn khuyết. "Đây là một kỹ thuật  khó, tỉ mỉ, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kỹ năng phẫu tích thật khéo léo để lấy vạt da và chuyển vạt, ghép nối các mạch máu", TS Dung nói.

Đến nay sau phẫu thuật, mũi bệnh nhân đang dần ổn định, hình dạng mũi tự nhiên, màu sắc hồng tương đồng với vùng da mũi xung quanh. Không chỉ cải thiện chức năng thẩm mỹ mà chức năng hô hấp của bệnh nhân cũng tốt hơn.

Theo TS Dung, các bác sĩ đã tìm tài liệu trong và ngoài nước về phương pháp nà, cho thấy có một ca của phẫu thuật viên Hàn Quốc sử dụng kỹ thuật này tạo hình khuyết một bên cánh mũi.

Còn với ca bệnh này, các bác sĩ BV Xanh Pôn đã tiến hành tái tạo hoàn toàn đầu mũi, trụ mũi và cánh mũi bằng vạt da sụn vành tai.

Được biết từ cuối năm 2016 đến nay, Khoa Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ bệnh viện Xanh Pôn đã từng phẫu thuật tái tạo cánh mũi cho 4 bệnh nhân bằng phương pháp này. 4 trường hợp này, vạt da để ghép là da và sụn một bên gốc của vành tai.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm