1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Kỳ lạ bệnh nhân có trái tim, nội tạng đảo ngược với người bình thường

(Dân trí) - Hình ảnh chụp X - quang cho thấy bệnh nhân Vũ Văn H. (37 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) có trái tim cùng với các phủ tạng khác trong lồng ngực và bụng có vị trí "soi gương" so với bình thường. Tức là, trái tim và dạ dày ở bên phải, còn gan và ruột thừa thì ở bên trái.

BS Nguyễn Sơn Hà, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp (BV Đa khoa Đức Giang) ngày 18/12 thông tin về ca bệnh hi hữu có trái tim, nội tạng đảo ngược so với người bình thường. Bệnh nhân được phát hiện hoàn toàn tình cờ khi vào viện do đau bụng vì viêm ruột thừa.

Trước đó, ngày 15/12, nam bệnh nhân Vũ Văn H bầu xuất hiện đau bụng vùng thượng vị và hố chậu trái, đau âm ỉ liên tục, tăng dần đến chiều vẫn không thấy đỡ nên bệnh nhân quyết định đến bệnh viện đa khoa Đức Giang khám.

Kỳ lạ bệnh nhân có trái tim, nội tạng đảo ngược với người bình thường - Ảnh 1.

Thay vì tim nằm bên trái, bệnh nhân lại có trái tim nằm bên phải.

Sau khi khám, làm các chỉ định cận lâm sàng cần thiết để xác định nguyên nhân gây đau như siêu âm ổ bụng, chụp Xquang, xét nghiệm máu... các bác sĩ vô cùng ngỡ ngàng khi hình ảnh X quang thể hiện bệnh nhân có trái tim cùng với các phủ tạng khác trong lồng ngực và bụng của bệnh nhân H ở vị trí "soi gương" so với bình thường. Tức là, trái tim và dạ dày ở bên phải, còn gan và ruột thừa thì ở bên trái.

Bệnh nhân H. cho biết bản thân anh trong một lần đi khám sức khỏe cũng biết mình có nội tạng, trái tim nằm ở vị trí đối lập so với mọi người. Tuy nhiên, sức khỏe anh H. vẫn bình thường, anh vẫn lập gia đình, sinh con.

Theo BS Hà, người có nội tạng đảo ngược như bệnh nhân này vô cùng hiếm gặp. Đảo ngược phủ tạng (situs inversus, situs transversus hoặc oppositus) là tình trạng bẩm sinh trong đó các cơ quan nội tạng trong ngực, bụng đảo ngược phản chiếu theo mặt phẳng đứng dọc so với vị trí bình thường. Tình trạng đảo ngược phủ tạng có thể hoàn toàn hoặc chỉ một vài cơ quan đơn thuần. Đây là một dạng dị tật có tính di truyền gen lặn tương đối hiếm gặp, với tỷ lệ khoảng 1/10.000 dân, trong đó có khoảng 5-10% có dị tật tim bẩm sinh, còn lại có cuộc sống hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Với các trường hợp đảo ngược nội tạng phải rất lưu ý theo dõi các cơn đau của bệnh nhân. Như bình thường người đau ruột thừa sẽ đau ở hố chậu phải vì vị trí manh tràng nằm bên phải, nhưng trường hợp này bệnh nhân H lại không đau ở bên phải mà đau ở bên trái.

Tuy nhiên, dựa trên kết quả khám lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng khác thì bệnh nhân H có đầy đủ các triệu chứng của viêm ruột thừa, như hội chứng nhiễm trùng, phản ứng thành bụng,…

BS Hà cho biết, với ca bệnh này rất khó khăn do trước phẫu thuật chưa thể xác định được vị trí các quai ruột có bị đảo lộn hay không, điều này rất nguy hiểm bởi nếu đúng vị trí bị đảo lộn sang bên trái thay vì bên phải mà theo thói quen thông thường các bác sĩ chỉ khám bên phải, bỏ qua bên trái thì nguy cơ sẽ để sót tổn thương, dẫn tới tình trạng viêm ruột thừa muộn gây viêm phúc mạc hoặc vỡ ruột thừa.

Sau khi xác định tình trạng viêm ruột thừa và nội tạng đảo lộn, bác sĩ đã tiến hành ca phẫu thuật nội soi cắt bỏ ruột thừa thành công, sau 30 phút.

"Cái cần lưu ý nhất đối với trường hợp đảo lộn phủ tạng thường có kèm theo các dị tật về chức phận của các hệ cơ quan. Như tim mạch khi bị đảo lộn vị trí như vậy thường sẽ kèm theo các dị tật về van tim, dị tật về đường ra của các động mạch, tĩnh mạch lớn của tim. Phẫu thuật trên những bệnh nhân có biến loạn hoàn toàn về giải phẫu sẽ có nhiều nguy cơ, do vậy các bác sĩ phải khám và đánh giá trước mổ, trong mổ, sau mổ", BS Hà chia sẻ.

Hồng Hải