1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Kỳ diệu cứu sống ca ngưng tim sử dụng 120 lọ thuốc adrenalin

(Dân trí) - Bị ngưng tim 2 lần và chỉ riêng ở lần ngưng tim thứ 2, các bác sĩ khoa cấp cứu bệnh viện Tim Hà Nội đã phải thực hiện sốc điện khoảng 100 lần kèm tiêm 120 ống adrenalin trong suốt 1 tiếng đồng hồ, tim bệnh nhân mới đập trở lại.

ThS.BS Nguyễn Xuân Tú, người trực tiếp cùng ê kíp cấp cứu của bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện cấp cứu hy hữu này cho biết: khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân Phạm Văn Lý (51 tuổi, ở Vĩnh Phúc) trong tình trạng đặt bóp bóng qua nội khí quản, dùng thuốc trợ tim liều cao, nhịp tim rất nhanh do đã ngưng tim 1 lần khi nhập viện Đa khoa Thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

Đang quá trình thăm khám, xét nghiệm, chuẩn bị tiến hành chụp mạch vành qua da để xem tắc hẹp ở đâu, có gần nơi đã đặt stent động mạch cũ không thì bệnh nhân ngừng tim lần 2. Kết quả xét nghiệm lúc đó cho thấy nồng độ Kali trong máu rất là cao (6,5).

Ngay lập tức, các bác sĩ đã cấp cứu, dùng máy ép, dùng thuốc vận mạch, tiêm adrenalin theo đường tĩnh mạch trung tâm ngay tại giường với liều lượng rất cao 1mcrg/kg/phút, thuốc co mạch, thuốc chống cấy loạn nhịp, thuốc ổn định màng cơ tim, tìm mọi cách đẩy kali vào trong tế bào… Cùng lúc đó, bác sĩ phải cầm 2 bảng điện sốc tim liên tục.

Sau khi truyền 120 lọ adrenalin (có tác dụng làm tăng áp lực tâm trương động mạch chủ, tăng lượng máu động mạch vành do đó tăng dòng máu nuôi dưỡng cơ tim trong trường hợp sốc, đồng thời tăng dòng máu não; tăng co cơ thành mạch, tăng co bóp cơ tim; tăng nhịp tim và dẫn truyền xoang nhĩ, nhĩ thất và trong thất) cùng các loại thuốc khác và sốc điện trong suốt 1 tiếng đồng hồ, nồng độ kali trong máu mới hạ xuống 4,5, tình trạng rối loạn nhịp tim đỡ đi, bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức.

Trong khi đó, ở các bệnh nhân tiên lượng rất xấu cũng chỉ dùng đến 50 ống adrenlin và sốc điện khoảng chừng đó lần.

ThS.BS Nguyễn Xuân Tú đang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân Lý
ThS.BS Nguyễn Xuân Tú đang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân Lý

Khẳng định đây không phải là trường hợp nặng nhất nhưng là trường hợp nặng đã thành công, ThS.BS Tú cho biết: “Bằng linh cảm nghề nghiệp, sau mỗi lần sốc điện, tôi thấy bệnh nhân có vẻ đáp ứng dù nhịp tim trở về ngay rung thất (nguyên nhân thường gặp gây ngừng tuần hoàn). Vì vậy tôi lại cố gắng. Hơn nữa, bệnh nhân đã từng ngưng tim 1 lần trước đó, đã được ép tim, dùng thuốc trợ tim từ bệnh viện tỉnh, trải qua một quãng đường dài đến đây, tiếp tục đáp ứng nhiều loại thuốc và sốc điện thì rõ ràng là bệnh nhân có sức sống phi thường”.

“Thành công của các bác sĩ cấp cứu là dù chỉ còn 1 phần triệu hy vọng cũng cố gắng, quyết tâm, không bao giờ từ bỏ”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn đánh giá.

Ngoài ra, theo bác sĩ Tú, không thể không nói đến sự hỗ trợ kịp thời, chính xác của các bác sĩ tuyến dưới khi bệnh nhân bị ngưng tim lần 1. Bởi với quãng đường rất xa (từ Vĩnh Phúc lên viện Tim Hà Nội) và bệnh nhân đã bị ngưng tim hẳn là các bác sĩ tuyến dưới đã cố gắng làm tốt.

Trước đó, theo người nhà của bệnh nhân cho biết, trưa ngày 26/5/2015, khi bệnh nhân đi làm đồng về thì xuất hiện triệu chứng đau ngực, khó thở, tiếp đó là nôn. Và người thân đưa bệnh nhân Lý lên viện trong tình trạng ngất lịm. Các bác sĩ thông báo tình trạng bệnh nhân rất nguy hiểm, buộc phải cấp cứu do ngưng tim và nhanh chóng chuyển tiếp lên tuyến trên.

Bệnh nhân Lý đã từng đặt stent động mạch vành cách đây 4 năm (2011). Tuy nhiên, do thiếu tái khám định kỳ và sử dụng thuốc chống đông như hướng dẫn nên đã dẫn tới tình trạng bít tắc hoàn toàn tại vị trí đặt stent động mạch.

Do đó, sau khi cấp cứu thành công, bệnh nhân hồi phục tốt, các bác sĩ bệnh viện Tim Hà Nội đã tiến hành phẫu thuật bắc cầu động mạch. BS Đặng Hanh Sơn, Phó trưởng khoa Ngoại, bệnh viện Tim Hà Nội, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết khi chụp động mạch vành lên thì có rất nhiều chỗ hẹp, chỗ tắc, trong đó có cả khu vực đặt stent. Do đó các bác sĩ đã chọn phương án bắc cầu với 2 cầu nối.

Nhận định về nguyên nhân gây ra tình trạng nguy kịch trên bệnh nhân đã đặt stent, BS Sơn cho rằng có 2 nguyên nhân: nguyên nhân chủ quan là do dùng thuốc chống đông không đều và nguyên nhân khách quan là do cơ địa bệnh nhân.

Đến nay, sau 1 tuần thở máy, 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã có sức khỏe tốt và sẽ sớm được xuất viện trong 1 vài ngày tới.

Trần Phương