1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Kinh hoàng gương mặt mụn trứng cá như mảng cơm cháy của cô gái 20 tuổi

(Dân trí) - Sau 10 ngày điều trị mụn tại một phòng khám tư, toàn bộ vùng mụn trứng cá dày chi chít của bệnh nhân tiết dịch, chảy mủ và đóng vẩy như một mảng cơm cháy. Bệnh nhân ngứa ngáy khó chịu vùng mụn, bác sĩ đã phải xử lý "tháo mủ", điều trị tích cực với hi vọng giảm nguy cơ sẹo vùng mặt do mụn.

Cô gái Đ.T.H (20 tuổi, Hải Phòng) đến BV Da liễu Trung Ương khám đầu tháng 7, trong tình trạng bị tổn thương nghiêm trọng toàn bộ vùng mặt do bị mụn trứng cá. Trước khi bị tình trạng này, cô nổi nhiều mụn, tổn thương sẩn đỏ vùng mặt nên đã đến khám tại một phòng khám tư ở Hải Phòng. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán trứng cá, bác sỹ ở đây chỉ định cho điều trị Isotretinoin 20mg/ngày; Ofloxacin 400 mg/ngày, bôi Fucidic acid trong 10 ngày.


Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị tổn thương đóng vảy nghiêm trọng toàn bộ hai má, trán... do bị bùng phát trứng cá. Ảnh: BS cung cấp.

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị tổn thương đóng vảy nghiêm trọng toàn bộ hai má, trán... do bị bùng phát trứng cá. Ảnh: BS cung cấp.

Tuy nhiên, sau 10 ngày điều trị, mụn chưa thấy hết, trên hai má, vùng trán bệnh nhân xuất hiện nhiều hơn các tổn thương cục, nang mụn tiết dịch, chảy mủ và đóng vảy tiết vàng nâu nhiều.

Quá hoang mang, bệnh nhân quay trở lại phòng khám tư và được bác sỹ chỉ định uống thêm Isotretinoin 20mg/ngày; Cefuroxime 400 mg/ngày. Tuy nhiên, sau 4 ngày thuốc, tình trạng ngày càng trầm trọng hơn, vảy tiết đóng nhiều hơn kèm theo xuất hiện các sẩn đỏ ở lưng ngực. Bệnh nhân lo lắng, mặc cảm không dám đi ra ngoài đường, đã tìm đến BV Da liễu Trung ương khám.

BS. Lê Văn Minh, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, khi bệnh nhân đến khám, bác sĩ cũng "giật mình" bởi tổn thương quá nặng toàn vùng mặt của người bệnh

"Hai má bệnh nhân ken dày các sẩn mủ, cục xuất hiện rải rác ở vùng mặt, tập trung nhiều ở vùng trán, hai bên má, các tổn thương đóng vảy tiết vàng, dầy; có tổn thương rải rác vùng lưng; bệnh nhân thấy đau và ngứa nhiều ở vùng bị tổn thương. Tôi đã tư vấn bệnh nhân nhập viện để được điều trị và theo dõi kỹ hơn, giảm tối thiểu ảnh hưởng sẹo sâu sau mụn", BS Minh cho biết.

Chẩn đoán nguyên nhân bùng phát mụn kinh hoàng trên vùng mặt của bệnh nhân, TS. BS. Phạm Cao Kiêm, trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng cho biết, cô gái này bị trứng cá bùng phát sau điều trị Isotretinoin. Bệnh nhân sẽ cần điều trị chống phản ứng quá mẫn của cơ thể đối với Isotretinoin, tiếp tục dùng Isotretinoin liều thấp hơn, kháng sinh và chích tháo mủ.

TS Kiêm cũng khuyến cáo các bác sĩ cần cần phải theo dõi bệnh nhân chặt chẽ và xử lý kịp thời các cơn bùng phát trứng cá khi điều trị bằng vitamin A acid.

Trứng cá bùng phát (Acne flare-ups) là vấn đề thường gặp sau khi bắt đầu điều trị bằng Isotretinon. Cơ chế của sự bùng phát sau điều trị bằng Isotretinoin chưa rõ ràng, nhưng có liên quan đến việc giải phóng nhiều kháng nguyên của P. acnes và kháng nguyên của vỏ nang lông tuyến bã, tăng cường đáp ứng viêm của bạch cầu đa nhân trung tính....

Đừng nặn mụn non

Ở lứa dậy thì, các em gái, em trai đều có những thay đổi đáng kể về nội tiết cũng như hình thể. Bên cạnh đó, những cái mụn trứng cá cũng xuất hiện nhiều trên mặt. Nguyên nhân là do có sự thay đổi hocmon giới tính, lứa tuổi dậy thì.

Lúc này, tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn hoạt động và bài tiết mạnh hơn. Sự bài tiết mạnh này cùng với sự tích tụ vi khuẩn tại các nang lông làm mụn phát sinh ngày càng nhiều. Mụn trứng cá có thể ở trên da mặt, hay gặp nhất ở trán, má, cằm; đôi khi ở vai, lưng, ngực. Người có lớp da nhờn thường có mụn trứng cá nhiều hơn người có da khô, do lớp nhờn tạo điều kiện cho bụi bẩn bám vào, nảy sinh mụn nhiều hơn...

Tuy nhiên, hầu hết các bạn gái đều không đủ kiên nhẫn đợi mụn già rồi mới nặn nhân mà nhiều em, vừa mới nhú mụn đã dùng tay nặn. Hơn nữa, việc không vệ sinh da sạch sẽ cũng khiến mụn trứng cá dễ bị nhiễm khuẩn. Khi đó, mụn trứng cá càng sưng tấy, mưng mủ có khi trở thành nhọt rất nguy hiểm.

Không chỉ có nguy cơ để lại sẹo, mà nguy hiểm hơn, những mụn nhọt to có thể gây nhiễm trùng nặng, vi khuẩn qua vết loét sẽ xâm nhập vào đường máu, gây nhiễm trùng máu.

Ngoài nguyên nhân thay đổi hoc mon giới tính, mụn cũng xuất hiện nhiều nếu môi trường ô nhiễm, stress, thói quen sinh hoạt. Như bạn, việc thức đêm quá khuya cũng là một phần nguyên nhân gây mụn trứng cá. Ngoài ra, chế độ ăn uống với nhiều đồ cay, nóng, uống rượu, cà phê… cũng khiến mụn nổi.

Khi bị mụn, không nên tùy tiện nặn mụn, thoa các sản phẩm lên da trong khi chưa biết là sản phẩm đó có phù hợp với loại da của mình hay không. Không điều trị tại các cơ sở, phòng khám không có bác sĩ chuyên ngành da liễu. Cách tốt nhất là bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa da liễu để được khám, điều trị bằng phương phương pháp thích hợp nhất.

Để phòng mụn trứng cá, quan trọng nhất là giữ vệ sinh da mặt sạch sẽ, giúp lỗ chân lông luôn thông thoáng. Khi đi đường, cần mang khẩu trang chống bụi. Luôn rửa mặt sạch sẽ sau khi đi đường. Không thức quá khuya, tránh các yếu tố gây căng thẳng, stress, tránh các đồ ăn cay nóng, các chất kích thích rượu bia, cà phê…

Hồng Hải