Kinh hoàng công nghệ nước đóng bình
Nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng bình sử dụng nguồn nước ô nhiễm, xử lý qua quýt bằng phương pháp thủ công. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, nước chứa một số vi khuẩn gây tiêu chảy, thủng giác mạc, viêm đường tiết niệu… hoặc chứa quá nhiều fluor gây đen răng, mục xương.
Nước ngầm ô nhiễm, lắng lọc thủ công
Kiểm tra một cơ sở sản xuất nước uống đóng bình ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM, cơ quan chức năng phát hiện chủ cơ sở dùng nguồn nước giếng khoan để đóng bình, sau đó xử lý qua loa bằng máy lọc than hoạt tính rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Điều đáng nói là nguồn nước ngầm ở một số quận, huyện tại TPHCM đang nhiễm bẩn nghiêm trọng, trong khi không ít cơ sở không sử dụng hệ thống lọc để loại bỏ các chất độc hại mà đưa thẳng vào bình.
Chuyên gia về sức khỏe cộng đồng Hoàng Thị Ngọc Ngân, từng công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết, để cho ra một bình nước đảm bảo an toàn, nước phải được lọc qua than, cát sỏi để ngăn chặn cặn lơ lửng trước khi lọc qua cặn li ti.
Theo thạc sĩ Ngân, sau đó, nước này phải lọc qua than hoạt tính, rồi chuyển qua lọc vi trùng và xử lý tia cực tím mới được đóng ra bình đưa ra thị trường.
Khảo sát mới đây với gần 200.000 giếng khoan tập trung ở các quận 9, 10, 11, 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân và Tân Phú cho thấy nước có hàm lượng nitơ cao. Tại Gò Vấp, hàm lượng nitơ đã vượt tiêu chuẩn nước dùng cho ăn uống và bị nhiễm vi sinh gây các bệnh tiêu hóa.
Tuy nhiên, nguồn nước này được dùng để hô biến thành nước uống tinh khiết, nước đóng bình, đóng chai mà không qua hệ thống lọc xử lý vi trùng và tia cực tím. Trong kết quả kiểm tra mới đây của Sở Y tế TPHCM đối với 70 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai, 27 cơ sở không đảm bảo vệ sinh với hơn 20 mẫu nước nhiễm vi sinh.
Nguy hiểm hơn, tại Cty sản xuất nước T.Đ. trên đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, nhãn hiệu nước đóng bình Aquaphar nhiễm Pseudomonas aeruginosa - một loại vi trùng gây bệnh mủ xanh rất nguy hiểm. Sản phẩm nước uống của hàng chục cơ sở khác nhiễm vi sinh gây tiêu chảy…
Tại một cơ sở sản xuất ở huyện Hóc Môn, bên trong khuôn viên là hàng trăm bình nước loại 12 lít và 20 lít chất ngổn ngang giữa trời mưa nắng. Số bình này được thu gom về từ các đại lý bán nước đóng bình. Sau đó, công nhân xúc rửa trước khi bơm nước vào rồi dán nhãn, bọc nilon để bán ra thị trường.
Hai công nhân dùng nước rửa chén (bát) khuấy đều với nước ở một chậu lớn, sau đó lần lượt đưa số bình dơ bẩn này vào xúc rửa thủ công. Một công nhân dùng nước rửa chén chùi nắp bình, một công nhân khác cho nước rửa chén vào bình xúc xong rồi dùng vòi nước xịt lại bên trong, bên ngoài và đưa bình qua công đoạn đổ nước vào để bán ra thị trường.
Chuyên gia Hoàng Thị Ngọc Ngân cho biết, hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất đã trang bị nhiều loại máy xử lý nước hiện đại để làm sạch nước theo tiêu chuẩn nước uống trước khi đưa ra thị trường.
Tuy nhiên, còn không ít cơ sở vẫn làm theo kiểu thủ công, chưa trang bị hệ thống lọc đạt chuẩn. Nguy hại hơn ở khâu xúc rửa, nhiều cơ sở chỉ dùng vòi xịt qua loa bên trong và ngoài bình rồi đưa vào đóng chai, trong khi có nơi xúc rửa bằng xà phòng không tẩy rửa sạch các loại vi trùng bám ở bình.
Nguy hại cho sức khỏe
TPHCM hiện có khoảng 300 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai có nhãn hiệu, được cơ quan chức năng cấp phép. Ngoài ra, có hàng trăm cơ sở sản xuất thủ công, nhỏ lẻ lén lút hoạt động, cho ra lò nhiều nhãn nước tinh khiết nhiễm bẩn, ngoài tầm kiểm soát của ngành chức năng. Tuy nhiên, điểm đến của số nước đóng bình, đóng chai này lại là các trường học, công ty trong khu công nghiệp và các hộ dân.
Bác sĩ Cao Ngọc Nga, chuyên gia vi sinh của Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho biết, nước đóng bình nhiễm Pseudomonas aeruginosa - loại trực khuẩn gây bệnh mủ xanh và nhiễm Coliforms - một loại vi khuẩn gây bẩn rất nguy hiểm cho người dùng.
Hai năm trước, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM công bố kết quả kiểm tra 464 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước đá, nước uống đóng bình, đóng chai ở TPHCM. Theo đó, hơn 60% không đạt điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong số 36 cơ sở sản xuất nước đá được kiểm tra, chỉ có 14 đạt yêu cầu. Trong số 77 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai được kiểm tra, chỉ có 26 đạt vệ sinh.
“Ngoài sử dụng nguồn nước không đảm bảo, hệ thống xử lý nước thô sơ và công nghệ xúc rửa bình mất vệ sinh là nguyên nhân giúp các loại vi khuẩn gây bệnh tồn tại”, bác sĩ Nga nói. Chuyên gia này cho biết, Pseudomonas gây các bệnh nhiễm khuẩn ở người như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn cơ hội. Đây là loại trực khuẩn gram âm, sống ở khắp nơi trong môi trường thiên nhiên, thích hợp với các môi trường ấm và ẩm ướt.
Khuẩn này có độc lực cao, rất dễ xâm nhập vào giác mạc khi có điều kiện thuận lợi. Trực khuẩn mủ xanh còn có khả năng tiết ra men tiêu collagen, dẫn đến hoại tử giác mạc, thủng giác mạc nhanh chóng. “Ở một số trẻ em bị viêm hô hấp mạn tính kéo dài mà căn nguyên do trực khuẩn mủ xanh thì chất nhầy chảy ra ở mũi thường có màu xanh mà người ta hay gọi là “thò lò mũi xanh”, bác sĩ Nga cho biết.
Trước thực trạng nước đóng bình nhiễm bẩn tràn lan trên thị trường, các bác sĩ ở Trường ĐH Y Dược TPHCM và Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM đã đo nồng độ fluor của nước.
Kết quả cho thấy, nồng độ chất này trong một số mẫu nước đóng chai, đóng bình đạt 2 mg/l, trong khi quy định tiêu chuẩn nước uống chỉ 0,7-1,5mg/l. Dù không gây ung thư nhưng nếu sử dụng thường xuyên nguồn nước có hàm lượng fluor cao hơn trên 2 mg/l có thể dẫn tới đen răng, mục xương.
Tại Trường Tiểu học T.Q.T, quận 5, TPHCM, bình nước uống được để trên ghế, mỗi lớp một bình. Trên bình nước có một ly nhôm. Theo quan sát của PV, trưa 18/9, học sinh học bán trú ăn trưa tại trường này ngồi khắp nơi từ trong lớp ra đến hành lang. Đang ăn, nhiều em chạy đến rót nước uống mà không kịp lau miệng.
Tương tự, tại Trường Tiểu học H.H, quận Bình Thạnh, mỗi lớp có một bình nước lọc và vài ly nhôm. Tại Trường Tiểu học C.B.Q, quận Phú Nhuận cũng có bình nước lọc nhưng lại trang bị hàng chục ly nhựa. Theo tìm hiểu của PV, rất ít trường ở TPHCM nấu nước sôi hoặc có cả bình nước nóng lạnh cho học sinh uống mà chủ yếu đặt hàng nước lọc từ các cơ sở bên ngoài. Hằng tháng, học sinh phải đóng 5-10 ngàn đồng/em.
Theo Nguyễn Dũng
Tiền phong