Kinh hoàng công nghệ làm... dưa chua

Sau khi đổ các loại rau củ vào bể muối dưa, nước một màu đục ngầu nổi lên. Bên trên mặt nước, ngoài bồng bềnh dưa củ cải còn rác, ruồi nhặng chết trước đó.

“Hái” tiền từ đồ bỏ đi!

 

Chợ đầu mối Bình Điền và chợ nông sản Thủ Đức ở TPHCM ngày ngày tiếp nhận cả hàng ngàn tấn rau, trong đó nhiều nhất là rau cải bẹ, bắp cải, xu hào và cà, kiệu các loại.

 

Tuy nhiên, không phải khi nào rau quả ở khu vực chợ đầu mối này cũng tiêu thụ hết. Một số ít do bị bầm dập, hay bị hư hại do sâu bọ… thường bị chê nên các chủ vựa rau chỉ còn cách đổ đống, may lắm bán tống bán tháo với giá bèo.

 

Một chủ vựa rau ở chợ nông sản Thủ Đức cho biết, cửa hàng chị “trùm” về rau cải, bắp cải, các loại rau làm dưa. “Mỗi ngày tôi nhập hơn 5 tấn rau các loại, chủ yếu xuất bán cho các đại lý làm rau sống, làm dưa ở khu miền Đông Nam Bộ. Do vận chuyển đường xa về nên khi nào cũng trừ phần hư hỏng do thối nát một lượng nhỏ khoảng 50 - 100kg.

 

Loại rau loại thải bỏ đi này thường cho để người dân mua để nuôi heo. Tuy nhiên, gần một năm lại đây, rau loại thải lại bán được với giá 200- 500 đồng/kg cho nhiều người dân mua về để họ “tái chế”. Người thì làm dưa, có nơi làm mắm…”- Chị này kể.

 

Khoảng 4 giờ sáng, tại các vựa rau ở chợ Bình Điền huyện Hóc Môn, hàng chục chiếc xe tải ùn ùn kéo về tập kết rau quả cho các vựa rau. Tại đây, đội quân bốc vác kiêm luôn “tút” lại cho rau sạch sẽ bằng cách loại hết phần rau bị úa, thối, bầm dập…rồi đóng lại thành các thùng hàng lớn chờ đại lý đến thu mua, hoạt động tấp nập.

 

Một công nhân bốc xếp cho biết, số rau loại thải này có khi lên đến hàng tạ tại một vựa rau, tính hết cả chợ cả hàng ngàn tấn. Anh công nhân này kể, cứ như thông lệ, sau khi rau thải ra, nhanh chóng hàng chục xe ba gác ùn ùn tới và “ngoạm” sạch rau bẩn chở về các nhà “kinh doanh” dưa chua trên địa bàn TP.

 

Chị Hoàng Thị Loan, chủ sạp rau ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh cho biết, mỗi ngày chị bán hơn 100kg rau, số rau hư hỏng vứt vào giỏ rác và chiều chiều có đội thu gom là dân ve chai đến bới móc lấy sạch, sau đó về gom lại để bán.

 

Tại các chợ khác, sau mỗi buổi chiều, số rau còn lại bị úa vàng bỏ đi, vứt bừa bãi trên các đống sình lầy, cống rãnh nhưng sau đó đều được “rửa sạch” và bán lại.

 

Thấy là… sợ!

 

Khi chúng tôi “đột nhập” vào cơ sở làm dưa chua khá lớn trên đường Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú, nơi đây có gần 10 công nhân đang hì hục xé nhỏ các bắp rau cải, cải bẹ để ngổn ngang choán cả lối đi.

Ngoài phía cổng vào, cả gần 2 tạ rau nát vừa được 3 chiếc xe ba gác đổ xuống, án ngữ ngay cổng vào. Sát lối đi vào nhà xưởng được ông chủ cơ sở dưa cho xây 3 hố dầm rau cải khá lớn, bên trong ngâm đầy bắp cải được xé nhỏ ra với nước đục ngầu, xộc lên mũi một mùi thum thủm đến khó thở.

 

Đi sâu vào bên trong cơ sở, là hàng chục loại rau như dưa trái đu đủ thái mỏng, củ kiệu, cà rốt, bắp xu hào, hành củ…được phơi trên các tấm nilông có diện tích 20m2, ruồi nhặng bám vào đen xịt, thỉnh thoảng bay tán loạn khi có tiếng động của người.

 

Trên một bạt nilông, một công nhân ở trần, đi chân không, mồ hôi nhễ nhại dùng tay xốc củ kiệu lên hóng cho khô. Ông chủ của cơ sở làm dưa Khuông Việt giới thiệu tên Tiến, vào nghề làm dưa từ 2 năm nay.

 

Theo ông Tiến, mỗi ngày cơ sở của ông chế biến khoảng 3 tạ dưa các loại, trong đó chủ yếu là dưa cải cung cấp cho các quán cơm bụi, vỉa hè và cả nhà hàng quán ăn khác trên toàn địa bàn TP.

 

Ngay sau khi sở thị các công nhân của cơ sở này làm dưa, chúng tôi “sởn da gà” khi thấy họ đưa hàng chục thùng dưa được xé lẻ còn dính cả bụi đất, cùng các loại dưa đã được phơi nắng trước đó đổ ùm vào bể cùng với muối và nước.

 

Sau khi đổ các loại rau củ vào, nước một màu đục ngầu nổi lên. Bên trên mặt nước, ngoài bồng bềnh dưa củ cải còn rác, ruồi nhặng chết trước đó. Vừa lúc 2 công nhân mang ủng cùng đạp dưa xuống, vừa đạp vừa lấy một thanh gỗ trộn đều.

 

Một công nhân không ngần ngại: Để dưa mau chín và giòn họ phải trộn thêm dấm và một số hóa chất. Anh này còn cho biết, các loại dưa này thường được thu mua lại từ các vựa rau ở chợ đầu mối, sau đó đưa về rửa qua nước lạnh, phơi và thái ra trước khi ngâm.

 

Đối với các loại dưa củ kiệu, sau khi phơi xong, nó được cho chung vào trong một chiếc thùng nhựa cỡ 100 lít, sau đó nấu đường, nước muối đổ vào.

 

Thoe Lê Nguyễn

Tiền phong