1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Kinh hoàng bài thuốc chữa bỏng của “thầy lang”

(Dân trí) - Đến Viện Bỏng Quốc gia, chúng tôi không khỏi kinh hoàng trước hậu quả chữa bỏng mà các lang băm gây ra cho bệnh nhân.

Chữa “thầy lang” - hậu quả nặng nề

 

25/01/2006, bé Dương Gia K (13 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng hoại tử cổ - mu bàn chân trái, nền vết thương bẩn nhiều giả mạc, tổn thương chuyển độ sâu, phải mổ ghép da.

 

Ngày cháu bị bỏng nước sôi, gia đình đã đưa ngay cháu tới “cơ sở gia truyền” của một thầy lang tại Hà Nội điều trị. Sau hơn 10 ngày “đắp thuốc”, vết bỏng của bé được tạo màng che phủ bên ngoài, gia đình khấp khởi mừng vì con đã khỏi bệnh. Nhưng khi về nhà, cháu vẫn đau khóc, gia đình mới đưa đến viện thì biết con bị tổn thương bỏng nhiễm khuẩn nặng, hoại tử cổ - mu bàn chân trái.

 

Cháu Quách Duy N (13 tháng tuổi) nhập viện Bỏng Quốc gia sau 13 ngày điều trị bằng “thuốc gia truyền” của thầy lang. Từ chỗ chỉ bị bỏng nước sôi độ nông, vết bỏng chuyển sang độ sâu, bị hoại tử mu chân trái, toàn bộ vết thương màng thuốc che phủ phía trên nhưng phía dưới có nhiều dịch mủ, phải phẫu thuật ghép da.

 

Còn bệnh nhân Nguyễn Ngọc T, 31 tuổi ở thôn Kênh Đào, Anh Đào, Mỹ Đức, Hà Tây đã mất đi toàn bộ bàn tay phải chỉ vì đắp thuốc “gia truyền”. Bệnh nhân bị bỏng điện toàn bộ bàn tay phải, được thầy lang cùng xóm đắp thuốc, sau hơn 10 ngày điều trị không khỏi vào Viện Bỏng trong tình trạng toàn thân nhiễm trùng nhiễm độc nặng, toàn bộ bàn tay bị hoại tử, các ngón tay teo đét, phía ngoài bao bọc bởi một lớp màng cứng chắc(như sơn). Các bác sỹ đã phải tiến hành giải pháp cuối cùng mà không ai mong muốn: tháo khớp cổ tay để cứu bệnh nhân.

 

TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Viện Bỏng Quốc gia cho biết, nhiều thầy lang tự nhận mình có bài thuốc bí truyền, gia truyền rồi tuỳ tiện chữa bệnh, dẫn đến không ít bệnh nhân buộc phải nhập viện với chi phí điều trị tăng cao và những biến chứng nặng nề.

 

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ tháng 12 năm 2003 trở về trước, một cơ sở thuốc gia truyền hoạt động hợp pháp phải có hồ sơ tường trình xuất xứ, thành phần, công dụng của bài thuốc được địa phương xác nhận và do Hội đồng khoa học của Sở Y tế thẩm định. Từ tháng 1 năm 2004, quy trình cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền do Bộ Y tế tiến hành.

 

Thực tế các ca bệnh nhập viện do dùng thuốc đông y cho thấy, nếu thầy thuốc không có kiến thức cơ bản về bệnh thì dù bài thuốc hay đến mấy cũng có thể gây hại cho bệnh nhân. Ngoài ra, với các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, cần có một chế tài đủ mạnh để các “lang băm” chịu trách nhiệm với người bệnh.

Sự thật về các bài thuốc “bí truyền”

 

TS Nguyễn Viết Lượng khẳng định, “Y học không thể phủ nhận những bài thuốc gia truyền hay và đã phát huy công dụng lâu dài trong việc chữa bệnh cho nhân dân. Nhưng để Đông y trở về đúng với giá trị nguyên bản và trở thành một kênh khám chữa bệnh song hành với Tây y, nên chăng, ngoài hồ sơ chứng nhận về nguồn gốc và công dụng của bài thuốc gia truyền, các thầy thuốc Đông y cũng cần được đào tạo hiểu biết cơ bản về căn bệnh đó”.

 

Còn trên thực tế trong một thời gian dài, Viện Bỏng Quốc gia đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân điều trị bỏng tại các cơ sở của thầy lang, do dùng thuốc tự pha chế điều trị bỏng không đúng chỉ định nên đã để lại hậu quả hết sức nặng nề cho bệnh nhân.

 

Qua xác định, những bài thuốc mạo danh gia truyền mà các thầy lang này sử dụng có “công thức kinh hoàng”, là sự pha trộn lẫn lộn nhiều loại thuốc mà bất cứ bác sĩ chuyên khoa nào cũng thấy… hoảng.

 

Thực tế, nhiều thầy lang đã pha thuốc tạo màng B76 (loại thuốc chiết xuất từ cây xoan trà đang được Viện Bỏng Quốc gia dùng) với một chút bột nghệ và… Ripamyxine - một kháng sinh rất độc có chỉ định chặt chẽ với bệnh nhân lao.

 

BS Lượng cho biết, thuốc tạo màng dùng chữa bỏng có chỉ định rất chặt chẽ. Chỉ những vết bỏng nông, diện nhỏ mới được dùng. Nhưng các “lang vườn” không biết điều đó, vết bỏng nào cũng bôi thuốc “tự chế” có thành phần thuốc tạo màng. Khi bôi thuốc, trên da sẽ hình thành một lớp màng ngăn vết bỏng, khiến người bệnh thấy khô ráo nghĩ là khỏi. Nhưng thực ra vết bỏng vẫn không liền, thậm chí bị nhiễm trùng, sinh dịch mủ dưới lớp màng, khiến vết bỏng càng sâu hơn. Bôi thuốc tạo màng trên diện tích bỏng rộng có thể gây sốc, có thể tử vong.

 

Hơn nữa, một vết bỏng điều trị bằng thuốc tạo màng B76 ở Viện Bỏng Quốc gia chỉ hết 10.000 đồng, trong các thầy lang vườn tự quảng cáo là thuốc gia truyền, nhanh khỏi, không phải thay băng, không còn sẹo và hét với những cái giá… trên trời. Người bệnh dùng “thuốc” của các ông “lang vườn” khiến tiền mất tật mang. 

           

“Do một số thầy lang do không có kiến thức cơ bản về bỏng nên không chẩn đoán được độ sâu của tổn thương và cho rằng mọi vết bỏng chỉ cần đắp thuốc tại chỗ là khỏi. Trong khi đó, tất cả các tổn thương bỏng sâu đều phải phẫu thuật ghép da và không có bất kỳ thuốc nào chữa khỏi được. Ngược lại, với các vết bỏng nông, bác sỹ có thể khẳng định chắc chắn không để lại sẹo, thậm chí không cần thuốc cũng tự khỏi”, TS Lượng khẳng định.

 

BS Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Da liễu TƯ cho biết, có không ít bệnh nhân vào Viện Da liễu TƯ trong tình trạng nhiễm trùng, dị ứng nặng, thậm chí bị tuột da do đắp thuốc của các lang băm. Nguyên nhân gây dị ứng là do nhiều “ông lang” sử dụng các bài thuốc “Đông Tây y kết hợp” một cách tuỳ tiện.

 

Theo BS Lượng, để không có những hậu quả đau lòng do các bài thuốc gia truyền, bí truyền chữa bỏng, thuốc đông y điều trị bỏng phải đuợc nghiên cứu và kiểm duyệt nghiêm ngặt. Đồng thời, cần có sự quản lý chặt chẽ các cơ sở hành nghề tư nhân, nhất là những cơ sở điều trị bỏng bằng thuốc đông y. Điều quan trọng là ý thức người dân, khi bị bỏng nên điều trị tại các cơ sở y tế của nhà nước, nơi có các chuyên gia hiểu biết sâu về lĩnh vực bỏng để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

 

Hơn nữa, một bài thuốc gia truyền chỉ được phép chữa một chứng bệnh cụ thể trong phạm vi hẹp. Do đó, ngoài việc tuyệt đối tránh điều trị bệnh ở các “thầy lang” không có giấy phép, khi tới các cơ sở thuốc gia truyền hợp pháp, người dân nên cảnh giác trước những lời quảng cáo “chữa bách bệnh”, các thủ đoạn pha trộn thuốc Đông - Tây y hoặc dùng bài thuốc không đúng với bệnh đã đăng ký trong giấy phép.  

           

Hồng Hải