1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Khu vườn kỳ lạ”: Bệnh nhân - những con mồi béo

Bà Ba Ngoan, chủ vườn có “thâm niên” trong việc khai thác “Khu vườn kỳ lạ” này nên biết cách đối phó với chính quyền bằng cách có những quy định yêu cầu mọi người phải trật tự, không gây náo động.

Một tấm bảng thể hiện sự minh bạch: “Chủ nhà kiên quyết không nhận bất cứ quà biếu bằng hiện vật”. Thế nhưng, nhiều chiêu “móc túi” bệnh nhân được vẽ vời hoa mỹ: “Gà nuôi vườn trời, trái cây vườn trời, trứng vườn trời, quả vườn trời... ăn vào sẽ khoẻ mạnh và trừ bệnh nhanh...”.

 

Bệnh nhân nằm la liệt.

Bệnh nhân nằm la liệt.

 

“Thiên sứ” buôn thần nhưng nuôi gà, bán chó!

 

Sau thời gian bị chính quyền xử lý vì tuyên truyền mê tín dị đoan. Út Hồng (cô Nguyễn Thị Kim Hồng, con gái bà ba Ngoan) đã thay đổi chiến lược xây dựng “hành dinh” mới ở thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước với một tòa nhà ba tầng trên khuôn viên hàng mẫu đất trồng cây ăn trái và trang trại nuôi gà.

 

Trong ngày họp mặt bệnh nhân, Út Hồng phán: “Sau khi đến vườn cầu xin ông trời chữa khỏi bệnh thì về nhà nên tiếp tục cầu nguyện như ở vườn thì cũng sẽ khỏi bệnh. Khi khỏi bệnh thì không phải cảm ơn quà cáp gì cho ta cả mà chỉ cần gọi điện thông báo tin mừng cho tất cả anh em, bà con, bạn bè và đưa người quen đến đây chữa bệnh”. Trong các buổi giao lưu, bà Hồng thường kể về công việc làm trang trại của mình: “Hồng có nhà trên Bình Phước, còn đây là đất thiêng để cho bà con hưởng. Hồng nuôi gà, nuôi chó, con gì bán có tiền là Hồng nuôi. Chó của Hồng nuôi mát tay nên nhanh lớn, mỗi lứa đẻ 20 con, bán có tiền lắm, mỗi con 600.000đ. Hồng tính nuôi bò mà chồng biểu lo không nổi nên thôi...”.

 

Hiện nay, Út Hồng “ngự” tại tư dinh ở Bình Phước, mỗi tuần chỉ về giao lưu với bệnh nhân ngày thứ năm. Thứ năm cũng là ngày những bệnh nhân của khu vườn được hưởng “lộc trời” như phải trả tiền giá cao để được mua những con gà ta, gà ác, trứng gà, hay trái cây được nuôi, trồng trên “vườn trời” của Út Hồng ở Bình Phước. Ngày này bệnh nhân có thêm một đặc ân đi theo Út Hồng ra vườn chụp những tấm hình có hào quang, từ trường... vì “thiên sứ” nên dễ bắt năng lượng!

 

Kinh doanh chuyên nghiệp

 
Những tấm hình khu vườn chụp ngược sáng. 

Những tấm hình khu vườn chụp ngược sáng. 
 
Theo quan sát của chúng tôi, hoạt động của khu vườn nhìn bề ngoài không thấy gì lạ nhưng nhìn kỹ sẽ thấy đây là một hoạt động có tổ chức chặt chẽ, có sự phân công công việc rõ ràng như người chuyên lo chụp hình quay phim, tiếp cận bệnh nhân, giới thiệu khu vườn để lôi kéo khách. Người chuyên canh chừng theo dõi xem có ai lạ mặt xuất hiện, người thì lo tổ chức tiệc tùng, tour du lịch về trang trại, người phụ trách bán sản phẩm, người lo biên soạn, in ấn tài liệu, hình ảnh, thơ, sách... Chuyện chụp ảnh, rửa hình cũng có sự tham gia khéo léo của họ để có những tấm hình lung linh ma quái! Khu vực xung quanh khu vườn này có cả một hệ thống nhà trọ với giá 1.700.000đ/phòng/tháng, giường thì 50.000đ/đêm, ngủ tập thể ngoài sân.

 

Hơn 6 giờ sáng ngày 11/8, bệnh nhân tụ tập sinh hoạt tại sảnh tiếp khách của chủ vườn Bệnh nhân im lặng để nghe lần lượt các bệnh nhân tự bạch quá trình điều trị đến khỏi bệnh của mình. Khoảng hơn 7 giờ thì nhân vật quan trọng Út Hồng xuất hiện từ xe hơi bước xuống. “Thiên sứ” chỉ đạo nhân viên mang những chiếc lồng gà, thùng đông lạnh chứa gà làm sẵn vào trong. Trong kho hàng la liệt thùng lạnh chứ gà làm sẵn để được mang về từ trước bằng xe tải!

 

Út Hồng giao lưu với bệnh nhân về khu vườn, về sản phẩm của mình như một chủ trang trại tiếp thị: “Đợt này gà còn hơi nhỏ có một ký hai thôi nên sợ bà con chê nhỏ nên không dám mang về nhiều, chỉ mang đủ số bà con đăng ký và mang thêm 50 con gà sống nữa thôi. Tôi chỉ bán cho bà con mình với giá bình dân 85.000đ một ký hà!”. Một “tín đồ” nói với chúng tôi, gà của Út Hồng nuôi, ăn cơm, uống nước “vườn trời” nên rất quý cho chữa bệnh.

 

Một “nhà thơ” sau khi ba hoa giới thiệu về bản thân, làm thơ tặng cho bà Ba Ngoan, Út Hồng và đông đảo bệnh nhân thì đã rút êm ra vườn để bán thơ, bán sách. Sách có giá 40.000đ/cuốn nhưng ít người mua mà chủ yếu là bán tập thơ phô tô: “Những bài thơ viết về vườn lạ Long An” 17 trang với giá 12.000đ/tập, mặc dù giới thiệu là nhà thơ nhưng các bài thơ bị sai lỗi chính tả, câu cú chẳng giống ai. Nội dung chủ yếu là giới thiệu 25 bệnh nhân đã chữa bệnh ở đây và các bệnh viện đã chữa bệnh cho những người này. Tuy nhiên, nếu người đọc là người có hiểu biết thì sẽ phát hiện ra ngay sự gian dối của trò sáng tác này.

 

Còn chuyện chụp hình ra ảnh có “cầu vồng, hào quang, bông hoa...” thì chỉ có Út Hồng và những người thân tín với chủ vườn mới có khả năng chụp được những tấm ảnh này và cũng chỉ những người này mới rửa hình ra được như thế. Còn bệnh nhân và cả chúng tôi đều không có khả năng chụp được những tấm hình này. Theo lý giải của anh T. người chuyên chụp hình giúp cho bệnh nhân ở đây bằng điện thoại, thì anh ở vườn này mấy năm rồi nên điện thoại của anh có từ trường còn máy của chúng tôi mới đến nên chưa nhiễm từ được, do vậy không chụp được ảnh có hào quang.

 

Theo giới chuyên môn thì những tấm hình có đường ven sáng kia đều chụp ngược sáng, chụp theo những giờ nhất định trong ngày. Sáng sớm khi mặt trời đang mọc lúc 6h30 thì chụp ở phía bên trong cổng, ngược với mặt trời thì cho ra những “bông hoa”, đến trưa 10h00 - 10h30 thì chụp ngược sáng cho ra hào quang nếu người được chụp đứng hoặc cầu vồng nếu người được chụp ngồi và tương tự cho buổi chiều khi 4h00 - 4h30.

 

Bệnh nhân đến đây ai cũng muốn có vài tấm hình và đều được người của bà Ngoan nhiệt tình giúp đỡ và sướng nhất là tấm nào cũng có... hào quang. Có người rửa ảnh nhỏ, nhiều người phóng to cỡ 30 x 40cm, giá tiền tạm ứng 50.000 - 100.000đ/người. Hiệu ứng tuyên truyền từ những tấm ảnh huyền bí này lan truyền nhanh kinh khủng. Ngoài ra, còn có cả những đoạn video clip giới thiệu cảnh bà Ba Ngoan “bắt ma” nữa thì còn động trời hơn.

 

Theo Khoa học & Đời sống