1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Không thu thêm tiền bệnh nhân khi viện phí tăng?

(Dân trí) - “Khi thực hiện giá viện phí mới này, điều kiện kiên quyết phải thực hiện được là bệnh viện không được thu thêm tiền bệnh nhân dưới bất kỳ hình thức nào”, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXHVN, nhấn mạnh.

Người bệnh không phải đóng thêm tiền

Theo ông Sơn, trước đây nhiều bệnh viện, ngoài khoản BHYT chi trả cho người bệnh vẫn thu thêm tiền của bệnh nhân mà không bệnh nhân nào dám từ chối đóng, đó là điều vô lý. Vì thế, trong lần thảo luận quyết định điều chỉnh tăng giá viện phí lần này, các bộ đã cùng thống nhất, nếu thực hiện khung giá mới người bệnh không phải bỏ tiền ra nữa.

Để đạt được điều này, khi yêu cầu hướng tới việc tính đúng tính đủ viện phí, gồm cả những cái chi trực tiếp, thậm chí bổ sung thêm 1 số những cơ cấu chi phí mà giá viện phí trước kia chưa đưa vào, ví như chi phí duy tu bảo dưỡng, xử lý môi trường, chi phí của điện nước… chúng tôi cũng đã nhất trí. 

Không thu thêm tiền bệnh nhân khi viện phí tăng? - 1
Với giá viện phí mới, người bệnh có BHYT đi khám được BHYT chi trả theo đúng tỉ lệ và không phải đóng thêm chi phí cho bệnh viện. Ảnh: H.Hải

Khi đồng tính với dự thảo điều chỉnh giá viện phí lần này, BHXH Việt Nam luôn mong muốn đảm bảo quyền lợi cho người bệnh và không gây thêm phiền hà, khó khăn, không tạo nên áp lực cho người bệnh khi đi khám..

Dự thảo tăng giá viện phí lần này cũng được tính toán kỹ, chi tiết. Cụ thể, tổ nghiên cứu đã khảo sát rất kỹ và đưa ra mức giá tương đối hợp lý. Ở dự thảo lần trước, tiền công khám đưa ra là 20-35.000đ thì dự thảo lần này tính toán đưa ra mức giá cao nhất ở BV hạng 1 là 20.000đ. Tiền giường bệnh mức cao nhất là giường Hồi sức tích cực với trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế thì là 335.000 còn lại thì mức giá nằm trong khung từ 150-160.000đ.

Chống lạm dụng kỹ thuật cao

“Với mức giá được tính chi tiết này đã khắc phục được bất cập của dự thảo lần trước. Bởi có cái mà bản thân giá đó bị kêu là lạc hậu nhưng nó lại vượt quá giá trị đưa ra. Ví dụ với chụp CT-Scan, trước kia giá đưa ra từ 300-1.000.000 đồng nhưng qua khảo sát thì cái mức giá tối đa có thể thu hồi đủ chi phí chỉ khoảng 900.000đ. Việc tính toán kỹ được các khoản này nhằm hướng tới mục tiêu chống lạm dụng quỹ BHYT”, ông Sơn nói.

Ngoài ra, theo ông Sơn, dự thảo lần này cũng đã phân lập cụ thể, chi tiết các nhóm kỹ thuật lẫn phương pháp điều trị. Ví dụ với siêu âm thì có siêu âm màu với giá từ 80.000-150.000đ, siêu âm 2D. “Hiện với siêu âm màu đang bị các cơ sở khám chữa bệnh lạm dùng nhiều. Đơn cử như với kỹ thuật siêu âm ổ bụng thì chỉ cần chức năng của máy siêu âm 2D thôi với chi phí được thanh toán chỉ 20.000 đ. Trong khi đó nếu dùng máy màu thì mức thanh toán từ 80.000 - 150.000, gấp gấp từ 4-7 lần so với kỹ thuật 2D.

“Tổng số tiền thanh toán cho siêu âm màu này là cực lớn trên toàn quốc. Nay được chia rõ, không ghi siêu âm màu chung chung mà chỉ định rõ là là siêu âm ổ bụng 2D, siêm âm thai, tim...cụ thể ra bộ phận cơ thể nên mức thanh toán kỹ thuật đó chính xác và sát với giá dịch vụ, chống lạm dụng”, ông Sơn nói.

Hồng Hải