1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Không thể tuỳ tiện chọc ối để chẩn đoán dị tật thai nhi

(Dân trí) - “Việc ứng dụng phương pháp chọc hút nước ối nhằm phát hiện những bất thường về NST của thai nhi là cần thiết. Tuy nhiên, không thể tuỳ tiện vì có thể gây nguy hiểm”, ThS Trần Danh Cường, Phó giám đốc TT Chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản TƯ cho biết.

BSCường cho biết: Hiện có nhiều bằng chứng cho thấy sức khoẻ con người bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm, có tiếp xúc hoá chất độc hại và vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo. Điều đó cũng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của các bà mẹ và em bé. Đa phần các dị dạng thai nhi là do dị dạng nhiễm sắc thể, do di truyền...

 

Một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến dị tật thai nhi chính là bệnh rubella, thủy đậu. Đối với những phụ nữ tiêm vắc cin rubella, thủy đậu thì cần phải sau 3 tháng mới được có thai. Khi mang thai rồi, tuyệt đối không được tiêm.

 

Theo con số thống kê, phụ nữ sinh con ở tuổi ngoài 38-40 có nguy cơ dị tật thai nhi cao gấp 10 lần so với phụ nữ ở lứa tuổi trẻ hơn. Dị tật down, hệ thần kinh của thai nhi trong nhóm phụ nữ lớn tuổi khá cao. Tại BV Phụ sản TƯ, số phụ nữ lớn tuổi sinh con đang gia tăng, đây là điều rất đáng ngại.

 

Hiện nay, để phát hiện dị tật thai nhi, bệnh viện Phụ sản TƯ thường tiến hành phương pháp chọc hút nước ối. Phương pháp này được chỉ định đối với 4 trường hợp sau:

- Thai nhi có bất thường về hình thái trên siêu âm

- Test sàng lọc huyết thanh dương tính

- Tăng khoảng sáng sau gáy

- Người mẹ lớn tuổi hoặc có tiền sử đẻ thai bất thường.

 

Chọc hút nước ối để xác định dị dạng nhiễm sắc thể đồ của thai nhi hiện là phương pháp cho kết quả chính xác. Các kết quả xét nghiệm thường gặp ba nhiễm sắc thể hay bị dị dạng, đó là nhiễm sắc thể số 21 gây bệnh down, nhiễm sắc thể số 18 gây dị dạng tim và chi, nhiễm sắc thể số 13 gây bất thường ở não bộ. Có tới hơn 40% bất thường nhiễm sắc thể dẫn đến dị dạng hình thể.

 

Việc chọc ối được làm vào 3 thời điểm: chọc hút nước ối sớm (<16 tuần); chọc hút nước ối kinh điển (17-20 tuổi); chọc hút nước ối muộn (>20 tuần). Quá trình chọc ối được thực hiện dưới sự hướng dẫn của siêu âm.

 

Bác sỹ Cường khẳng định, chọc hút nước ối là hoàn toàn có thể thực hiện được hiện nay. Với những kết quả thu nhận được, nó càng khẳng định vai trò của chẩn đoán trước sinh. Phương pháp này có thể mở rộng xuống một số trung tâm khác, tuy nhiên điều quan trọng là phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của bác sỹ vì nếu không có thể ảnh hưởng tới thai nhi. Vì theo con số thống kê của trung tâm CĐTS tại bệnh viện này, trong 279 ca chọc ối, có 1 ca không lấy được ối, 7 ca chọc hai lần, 15 ca nuôi cấy tế bào ối không mọc và 1 ca sẩy thai.

 

Lan Hương (ghi) 

Dòng sự kiện: Mang thai