Không thể thiếu chất béo trong khẩu phần ăn
(Dân trí) - Hiện nay, bệnh béo phì và đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng. Ám ảnh về các căn bệnh này, nhiều người đã lo lắng, kháo nhau kiêng ăn giảm uống, đặc biệt loại bỏ hẳn chất béo ra khỏi khẩu phần ăn.
Đây là một quan điểm hết sức sai lầm vì con người, đặc biệt trẻ em đang phát triển, vì con người không thể tồn tại với một khẩu phần không có chất béo.
Chất béo là một phần của ô vuông thức ăn
Thực phẩm con người sử dụng rất đa dạng và nhiều chủng loại. Các nhà dinh dưỡng học đã hệ thống lại và xếp thực phẩm thành bốn nhóm trong một hình biểu trưng gọi là “ô vuông” thức ăn gồm 4 nhóm sau: (1) chất đường nói chung (carbohydrate), (2) chất đạm, thịt, (3) chất béo và (4) muối khoáng, vitamin với trung tâm ô vuông là sữa, thức ăn tối ưu và thích hợp nhất.
Trong thiên nhiên, không có một thực phẩm nào là hoàn hảo cả; một khẩu phần thích hợp bắt buộc phải có đủ cả 4 thành phần trong ô vuông thức ăn. Một bữa ăn đúng, hợp lý có đầy đủ các thành phần, như một cái áo hoàn chỉnh cần có các thành phần cơ bản: vạt trước, vạt sau, cổ áo, tay áo, túi áo...“thừa không được mà thiếu cũng không xong”.
Trẻ em kể cả trẻ béo phì cũng cần phải ăn chất béo
Trẻ em là một cơ thể đang phát triển và trưởng thành, nhu cầu chất béo không thể thiếu. Với trẻ béo phì thường do ăn quá nhiều cơm, bánh mì hoặc bánh kẹo, uống nhiều nước ngọt… dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, chứ không đơn thuần là do ăn chất béo. Vì thế, tuyệt đối không được loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi chế độ dinh dưỡng của trẻ em kể cả trẻ béo phì. Nếu có con bị béo phì, phụ huynh cần xây dựng lại khẩu phần ăn hợp lý, có thể cho trẻ ăn ít chất béo hơn nhu cầu một tí, tránh ăn chất béo động vật nhưng không được loại bỏ chất béo trong thức ăn.
Thiếu cholesterol “chết” đấy
Về bản chất, cholesterol là một chất béo rất cần thiết cho cơ thể con người với nhiều chức năng, vai trò quan trọng là thành phần cấu tạo ở màng của cả tỉ tế bào trong cơ thể; thành phần cấu tạo các sợi trục, dây và rễ của hệ thần kinh trung ương lẫn ngoại biên; cholesterol còn là chất tiền thân (precursor) để sinh tổng hợp nên các hoóc môn steroid của tuyến thượng thận và tuyến sinh dục, đây là hai tuyến nội tiết vô cùng quan trọng đảm bảo chức năng sống còn và duy trì nòi giống.
Do đó thiếu cholesterol chắc chắn cơ thể chúng ta không thể tồn tại và vận hành được, thiếu cholesterol cũng sẽ gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm không thua gì tình trạng thừa cholesterol.
Khi lưu hành trong máu, cholesterol thường kết hợp với chất protein “vận chuyển” để tạo thành hai phức hợp lipoprotein là LDL (mật độ thấp, gây hại) và HDL (mật độ cao, có lợi); cần nhấn mạnh thành phần cholesterol gây hại thật sự cho cơ thể chính là LDL này. Tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu - thừa LDL và thiếu HDL - sẽ gây nhiều biến chứng như: xơ vữa động mạch với những hệ lụy như tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, thiếu máu mạch vành, nhồi máu cơ tim...; bệnh béo phì, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ...
Có hai nguồn cung cấp cholesterol: một là thức ăn đem vào chỉ chiếm gần 20% nhu cầu và hai là sự sinh tổng hợp xảy ra ngay trong cơ thể bổ sung đến 80% còn lại. Gan là nơi tổng hợp cholesterol từ một tiền chất là acetyl-CoA lấy từ chuyển hóa các chất đường, béo và đạm. Như vậy đã rõ ràng là cholesterol “nội sinh” (tổng hợp trong cơ thể) mới là nguồn chính, người rối loạn chuyển hóa lipid máu thường là do tăng cholesterol “nội sinh” hơn là do ăn nhiều cholesterol “ngoại lai” vào.
Đôi điều bàn luận
Béo phì là một bệnh nội tiết chuyển hóa khá phổ biến trong xã hội công nghiệp “ăn quá nhiều, vận động thiếu”. Trong cơ thể con người có sự chuyển hóa qua lại giữa chất đường và chất béo: ăn nhiều đường bột, uống nhiều nước ngọt là nguyên nhân lớn nhất gây ra béo phì.
Chất béo, kể cả cholesterol là thành phần không thể thiếu trong khẩu phần ăn hợp lý. Cơ thể con người, kể cả người béo phì cũng phải có chất béo trong thức ăn.
Đến 80% những rối loạn chất cholesterol trong cơ thể là do nội sinh, từ hệ thống chuyển hóa trong cơ thể, phần cải tạo được qua chế độ ăn uống chỉ khoảng 20% còn lại.
Tăng vận động thể lực nhằm tiêu hủy năng lượng thừa, sử dụng các loại thuốc với mục đích ức chế sinh tổng hợp cholesterol từ gan và tăng hoạt các thụ thể LDL, hiệu quả cuối cùng là giảm nồng độ LDL và giảm các yếu tố “nguy cơ” như rượu bia, hút thuốc, stress…là ba cách hiệu quả để giảm rối loạn mỡ máu. Hơn nửa thế kỷ trước BS Paul Dudley White, người đã viết 12 cuốn sách và làm hơn 700 đề tài khoa học, cùng các cộng sự ở Đại học Harvard đã đưa ra luận cứ còn được áp dụng trên toàn thế giới cho đến ngày nay để phòng bệnh mãn tính nội tiết, tim mạch, đó là tăng cường vận động chứ không phải là uống thuốc và kiêng ăn.
Theo TS.BS Trần Bá Thoại
Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM